Thả các cá thể động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên

Ngày 14/8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đã tổ chức thả 3 cá thể động vật quý hiếm về tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp).

Ba cá thể động vật gồm 2 cá thể trăn gấm (1 đực, 1 cái) còn gọi là con Nưa, có tên khoa học Python reticulatus.

Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong nhóm IIB (các loài động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Phụ lục II Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Cá thể trăn gấm cái nặng 28 kg được người dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, bắt được ngoài đồng hoang.

Do biết đây là động vật hoang dã quý hiếm nên đã giao nộp cho cơ quan chức năng và được Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp nhận vào đầu tháng 48.

Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm đã giao cá thể (trước đó bị thương do người dân chích điện để bắt) cho Trại nuôi trăn chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện nay, cá thể trăn gấm hoàn toàn khỏe mạnh.

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm cũng vận động tiếp nhận thêm 1 cá thể trăn gấm đực để cùng thả vào rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tạo điều kiện sinh sản, phát triển đàn ngoài môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, vào đầu tháng 8, Chi cục Thi hành án huyện Long Mỹ bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Long Mỹ một cá thể chim cú lợn lưng xám, tên khoa học là Tyto alba.

Các bác sỹ thú y của cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình kiểm tra sức khỏe cho gấu. (Ảnh: Minh Đức/TXVN)

Cá thể này nặng khoảng 1kg, không bay được do bị thương ở cánh. Sau thời gian chăm sóc, cá thể đã bình phục và được thả vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cùng 2 cá thể trăn gấm.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, trong các phân khu chức năng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hiện vẫn còn một số cá thể Trăn Đất sống hoang dã và rất hiếm khi gặp trăn gấm.

Việc thả các cá thể trăn gấm trở lại rừng nhằm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm nói chung và bảo tồn, phát triển loài động vật hoang dã đặc thù của tỉnh Hậu Giang.

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã 9 lần tổ chức thả động vật hoang dã về rừng chủ yếu là các loài rùa, rắn và có thêm 3 cá thể trăn gấm và chim cú lợn được thả về môi trường từ nhiện trong ngày 14/8.

Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Nước Việt (Four Paws Viet) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã cứu hộ hai cá thể gấu ngựa nặng hơn 100kg tại gia đình̀ ông Trần Văn Trách, tổ 24, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Cả hai cá thể gấu này đều có gắn chip điện tử và được nuôi nhốt tại gia đình ông Trách hơn 10 năm nay với mục đích lấy mật.

Dưới sự vận động, tuyên truyền của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn Động vật hoang dã, ông Trách đã tự nguyện chuyển giao gấu cho Trung tâm Four Paws Viet để đảm bảo hai cá thể gấu này được chăm sóc trong điều kiện môi trường sống tốt hơn.

Tại gia đình ông Trách, hai cá thể gấu đã được các bác sỹ thú y kiểm tra sức khỏe để đảm bảo có thể trạng tốt rồi mới chuyển tới Cơ sở bảo tồn gấu thuộc Trung tâm Four Paws Viet tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Ban đầu hai cá thể gấu sẽ được cách ly kiểm dịch để theo dõi sức khoẻ, sau đó chúng sẽ được đưa vào chuồng ít nhất một tuần để tiếp tục theo dõi trước khi được thả ra khu bán hoang dã tại Công viên động vật hoang dã quốc gia Ninh Bình.

Trong thời gian tới, Trung tâm Four Paws Viet tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên vận động và cứu hộ những cá thể gấu còn đang bị nuôi nhốt trên địa bàn nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại gia đình.