Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn Bình Thuận

ThienNhien.Net – Trên địa bàn các huyện của tỉnh Bình Thuận, nơi có lưu vực sông La Ngà (phụ lưu sông Đồng Nai) chảy qua đã nổi lên các vấn đề ô nhiễm môi trường, gây bức xúc như: tình trạng xả nước thải, khí thải, mùi hôi chưa qua xử lý của các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến hải sản, chế biến mủ cao su…

Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản (cát, đá…) làm sạt lở ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sống ven lưu vực sông này.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, sông La Ngà chảy qua 3 huyện (Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh) với chiều dài 143 km. Sông La Ngà là nguồn cung cấp nước chính phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của huyện Tánh Linh và Đức Linh.

Nhiều cơ sở như Nhà máy chế biến cao su Thái Dương, Cơ sở chế biến tinh bột Ngọc Thạch, Công ty Hồng Sơn… nằm dọc sông, chưa có hệ thống xử lý nước thải, lại đổ nước thải trực tiếp ra sông làm tình trạng sông ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Sông La Ngà (Ảnh: Dân Việt)
Sông La Ngà (Ảnh: Dân Việt)

Để bảo vệ môi trường và sự sống, tỉnh Bình Thuận đã triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, các hoạt động đã mang lại hiệu quả khi tình trạng ô nhiễm môi trường dần được cải thiện.

Trong quá trình triển khai hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông La Ngà, tỉnh đã xây dựng đầy đủ cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường; đồng thời, xây dựng quy hoạch xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải, quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường, phân vùng xả thải. Bên cạnh đó, tỉnh còn thống kê nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường…

Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện trên ngày càng được tăng cường và kiên quyết hơn trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông La Ngà.

Ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: Sở đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Từ năm 2010 đến nay, Sở đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 70 cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông này; đồng thời UBND tỉnh đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với 2 trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm.

Nhằm hạn chế những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, UBND tỉnh tiến hành xây dựng nhà máy xử lý rác Quang Hà (huyện Tánh Linh) với diện tích 0,6 ha, công suất xử lý 5 tấn/ngày và bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại huyện Hàm Thuận Bắc với công suất tiếp nhận 17 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, vận động người dân không vứt chai thuốc trừ sâu đã qua sử dụng suống sông…

Với những hành động quyết liệt của tỉnh Bình Thuận, nguồn nước sông La Ngà đã được cải thiện, tình trạng hôi thối giảm đáng kể và hệ thống sông này đã trở lại là nguồn cung cấp nước chính, phục vụ trong quá trình sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân niện nay.

Theo ông Huỳnh Giác, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ có 100% cơ sở đang hoạt động sản xuất ven lưu vực sông xây dựng hệ thống xử lý đạt chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường; 100% dự án đầu tư vào trong lưu vực sông La Ngà đều phải đảm bảo các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Tiếp đến là xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông và kiên quyết di dời khỏi lưu vực sông các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không có khả năng khắc phục, xử lý.

Bên cạnh đó, thu gom và xử lý đúng quy định 80% chất thải rắn sinh hoạt ở khu dân cư tập trung và 60% chất thải nguy hại ở lưu vực sông; xây dựng các mô hình xã hội hoá về công tác bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tại các huyện.