Giàu của, “nghèo” môi trường

ThienNhien.Net – Kết thúc vụ sắn, đót, 30 hộ dân xóm Phú Châu, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, bỏ túi được vài trăm triệu đồng. Đổi lại, cả làng phải sống trong cảnh ngột ngạt mùi hôi thối. Hàng trăm hộ dân xóm khác cũng khốn khổ vì nước bẩn…

Chúng tôi đến xóm Phú Châu đúng vào thời điểm giữa vụ thu hoạch, chế biến bột sắn, đót. Ghi nhận đầu tiên là mùi hôi, thối và dòng nước đen kịt, đặc quánh của con suối nhỏ, của các con mương từ xóm Phú Châu chảy xuôi các xóm Bu Chằm, Đồng Bài, xã Phú Minh. Phải dùng khẩu trang chúng tôi mới đi được vào xóm, đến thăm một vài điểm chế biến bột sắn, đót.

Ông Trần Văn Tiến, Trưởng xóm Phú Châu, thản nhiên nói: “Sống quen rồi, tôi đứng máy cả ngày có sao đâu”. Tuy nhiên, ông Tiến cũng phải thú nhận: “Người ngoài đến không chịu được mùi này nửa tiếng đồng hồ”.

Xóm Phú Châu có 30 hộ, trên 140 khẩu. Các hộ ở đây phần nhiều quê gốc ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội (Hà Tây cũ). Năm 1979, các hộ lên Phú Minh xây dựng kinh tế mới.

Một ngày, một máy tiêu thụ cả trăm tấn sắn củ.
Một ngày, một máy tiêu thụ cả trăm tấn sắn củ.

Ông Trần Văn Tiến, Trưởng xóm Phú Châu cho biết: “Ruộng cấy lúa ở đây vừa ít vừa xấu, nhiều vụ có cấy mà không có thu. Vì thế, một số hộ không trụ được đã bỏ về quê cũ. Số hộ còn ở lại sống trong cảnh túng thiếu, nhà tranh vách đất. Nguồn thu nhập chính là sắn, đót. Có điều, đường xá đi lại khó khăn nên giá sắn, đót bán mà như cho. “Cái khó ló cái khôn”, xóm cử người theo xe sắn về nơi tiêu thụ xem họ chế biến như thế nào. Xem, rồi xin ở lại làm thuê, cái chính là để học nghề. Và, người Phú Châu đã học được nghề làm tinh bột sắn, đót như bây giờ”.

Đầu năm 2000, Phú Châu đã có hơn chục máy chế biến tinh bột sắn, đót. Người dân ở đây bắt đầu chuyển hướng làm ăn từ trồng sắn, đót để bán sang vừa trồng vừa chế biến bột. Nhưng, cái mà người Phú Châu không tính đến, chưa lường được đó là những tác động môi trường. Chế biến sắn, đót gây ô nhiễm không khí và nước rất lớn. Hiện, Phú Châu có 24 máy chế biến tinh bột sắn, đót. Một máy, mỗi ngày nghiền từ vài chục đến cả trăm tấn sắn củ. Chất thải, nước thải từ các máy đều đổ ra con suối nhỏ trước xóm. Nhìn bao quát, cả cánh đồng xóm Phú Châu đặc sệt một màu đen nhầy nhụa. Không khí hôi thối trùm lên cả xóm…

Khổ nhất là các hộ xóm Bu Chằm. Nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất không thể dùng được. Lội xuống ruộng, chân tay bị ngứa, nổi mẩn. Hàng chục gia đình đã phải bỏ không dùng nước giếng. Hộ gần suối, gần mương nước phải dùng vải che kín cửa sổ. Mùa hè thì ruồi nhặng vô kể. Người dân Phú Châu biết xả thải ra môi trường là độc hại, nhưng vì sản xuất mùa vụ nên cứ “nhắm mắt” mà làm. “Sang tháng ba, tháng tư, mưa lũ sẽ cuốn hết ra sông Đà, có sao đâu”, người dân Phú Châu nói như vậy.

Chất thải, nước thải đều chảy ra ruộng, suối.
Chất thải, nước thải đều chảy ra ruộng, suối.

Theo ông Trần Văn Tiến, xóm Phú Châu có gần 100ha sắn, hơn 40ha đót. Một ha sắn thu được trên 7 tấn bột, 1ha đót cho thu 10 tấn bột. Ở đây nhà trồng ít là 2ha, nhà nhiều 3 – 4ha. Qua nhiều vụ chế biến cho thấy, 1ha sắn cho lãi từ 30 – 35 triệu đồng, đót lãi 50 – 55 triệu đồng. Như vậy, sau 1 vụ sắn, đót, mỗi hộ thu được 50 – 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số hộ còn nhập sắn về chế biến tinh bột để bán, thu nhập không dưới 500 triệu đồng. Vụ sắn đót chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm.

Phải nói, nghề sản xuất tinh bột sắn, đót đã đem lại thu nhập rất cao cho người Phú Châu. Song, cái nghề này đã làm cho môi trường của Phú Châu và các khu dân cư lân cận bị “nghèo kiệt”. Thiết nghĩ, chính quyền xã Phú Minh cần cùng với người dân có giải pháp hợp lý vừa bảo đảm việc sản xuất kinh doanh ổn định vừa giữ được môi trường trong lành, bảo đảm sức khoẻ cho người dân.