Tăng cường quản lý khoáng sản vùng Tây Bắc

ThienNhien.Net – Vùng Tây Bắc có nhiều mỏ khoáng sản quy mô lớn song hiện nay, nhiều dự án chế biến, khai thác khoáng sản vẫn chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng cụ thể nhằm phục vụ công tác quy hoạch nguồn nguyên liệu để xây dựng các cụm công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung.

Khoáng sản vùng Tây Bắc gồm các tỉnh miền núi phía bắc và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đa phần khoáng sản các tỉnh đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất. Tuy nhiên, vẫn còn bốn tỉnh là Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Hà Giang diện tích đo vẽ bản đồ địa chất mới đạt từ 30 đến 50%.

Qua công tác điều tra, đánh giá và thăm dò đã phát hiện một số địa phương có hiện diện các loại khoáng sản giá trị như Lào Cai có quặng sắt, apatit, đồng; Lai Châu có đất hiếm, vàng, đồng; Bắc Kạn có mỏ chì, kẽm; Yên Bái, Nghệ An có đá vôi trắng; Hà Giang, Cao Bằng có quặng sắt, mangan.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động chế biến, khai thác khoáng sản vùng Tây Bắc hiện nay tương đối sôi động, nhưng chỉ có hoạt động khai thác ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng là có đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Được biết, các địa phương vùng Tây Bắc đã cấp 1.518 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho các đơn vị có hồ sơ đề nghị. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cấp 118 giấy phép theo thẩm quyền của mình. Số lượng cấp phép như vậy là lớn, trong đó có nhiều khu vực được cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản chưa bảo đảm về cơ sở địa chất cũng như các yếu tố bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường…

Khảo sát của các chuyên gia cho thấy, tỉnh Yên Bái có trữ lượng đá vôi trắng hơn 110 triệu m3. Các cơ sở chế biến đá tập chung chủ yếu ở huyện Mông Sơn. Hoạt động khai thác, chế biến đá hoa của tỉnh đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần tích tích cực phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh.

Nhưng với số lượng giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp cho thấy, vào năm 2013 sẽ có gần 50 doanh nghiệp đi vào hoạt động khai thác, chủ yếu tập trung trên một địa bàn hẹp thuộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng tranh chấp diện tích khai thác, khai thác tràn lan, lãng phí tài nguyên; gây mất trật tự an ninh và an toàn lao động, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường chung quanh hồ Thác Bà.

Những hiện tượng nêu trên đã và đang xảy ra với khu vực khai thác đá tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Vì vậy, chính quyền tỉnh Yên Bái cần có có công tác rà soát lại các dự án khai thác để kịp thời đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả.

Tại Sơn La, dự án chế biến quặng niken mỏ Bản Phúc đang được tập trung đầu tư đưa vào hoạt động trong năm 2013. Ngoài ra tỉnh cũng đã cấp phép cho hai dự án chế biến kim loại đồng, một dự án sản xuất gang thép công suất 200.000 tấn/năm. Điều đáng quan tâm là vùng nguyên liệu cho ba dự án này vẫn chưa được đánh giá, thăm dò cụ thể, các dự án được cấp phép vẫn chưa có nguồn nguyên liệu quặng đồng, quặng sắt ổn định để sản xuất.

Tương tự như vậy, tỉnh Cao Bằng hiện có 10 dự án chế biến quặng mangan, 6 dự án chế biến quặng sắt chưa xác định được nguồn nguyên liệu. Còn tỉnh Bắc Kạn thì đã cấp giấy phép đầu tư dự án nhà máy điện phân chì kẽm công suất 30.000 tấn/năm. Hiện dự án này chuẩn bị đi vào sản xuất nhưng cũng chưa xây dựng được quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định.

Nói đến hoạt động của vùng khoáng sản Tây Bắc, không thể không ghi nhận đã có nhiều mỏ khoáng sản đang được khai thác hiệu quả. Tại Lào Cai là quặng apatit ở mỏ Sin Quyển, quặng sắt mỏ Quý Xa. Hà Giang có mỏ quặng mangan ở Đồng Tâm, Vị Xuyên được đầu tư cơ sở chế biến sâu, công suất 30.000 tấn/năm. Lai Châu có mỏ đất hiếm ở Đông Pao, Nậm Xe đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác gắn với dự án chế biến sản phẩm đất hiếm thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để khoáng sản khu vực Tây Bắc được khai thác và chế biến có hiệu quả, cần rà soát hoạt động khai thác, chế biến xuất khẩu khoáng sản một cách chặt chẽ. Đồng thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Không cấp phép đầu tư manh mún, không thỏa thận các dự án chế biến khoáng sản khi chưa xác định được nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài cho sản xuất.

Cùng với đó, các tỉnh có trữ lượng khoáng sản cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khoanh định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khu vực dự trữ tài nguyên quốc gia nhằm định hướng phát triển bền vững cho các vùng khoáng sản. Về lâu dài, ngành công nghiệp chế biến khoáng sản cần có sự liên kết giữa các tỉnh để xây dựng các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung, quy mô lớn có công nghệ cao nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư.