Quảng Ninh: Giao đất, giao rừng ở Ba Chẽ

ThienNhien.Net – Đối với một địa phương mà lâm nghiệp đã được xác định là ngành kinh tế chủ đạo như Ba Chẽ (Quảng Ninh) thì không còn cách nào khác để quản lý bảo vệ rừng bền vững, người dân có thể làm giàu được từ lâm nghiệp là “mọi thửa đất phải có chủ sử dụng”. Từ phương châm này, năm 2012 huyện đã xây dựng Đề án giao đất, giao rừng, cho thuê rừng cho hộ gia đình, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ – Quảng Ninh chia sẻ: Thực ra việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng tất cả các địa phương trong tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp đều đã làm và Ba Chẽ cũng đã thực hiện việc này từ nhiều năm nay. Bên cạnh những kết quả đạt được rất tích cực thì cũng cần nhìn nhận rằng việc giao đất, giao rừng lâu nay vẫn dựa trên cảm tính nhiều hơn, thiếu những điều tra, căn cứ khoa học sát thực.

Như Ba Chẽ, nhân dân trồng rừng vẫn mang tính tự phát chưa theo quy hoạch, hiệu quả kinh tế từ rừng trồng chưa cao, công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng còn bất cập, diện tích đất, rừng sản xuất chưa giao do UBND các xã quản lý còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất để trồng rừng. Đặc biệt với diện tích rừng và đất rừng chưa giao còn tới trên 11.100ha, tạo áp lực rất lớn cho chính quyền các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ trước tình trạng xâm lấn đất rừng hết sức phức tạp tại hầu hết các xã hiện nay.

Chính vì vậy, năm 2012 huyện quyết định xây dựng Đề án giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, với mục tiêu đến năm 2015 cơ bản giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp xong trên địa bàn toàn huyện. Rừng và đất rừng phải có chủ thực sự quản lý, bảo vệ và áp dụng các biện pháp lâm sinh phát triển rừng nhằm tăng nhanh diện tích trồng rừng hàng năm góp phần giảm nghèo, tiến tới làm giàu chính đáng từ phát triển nghề rừng của nhân dân tại địa phương.

Vườn ươm cây giống trồng rừng của người dân thị trấn Ba Chẽ (Ba Chẽ)
Vườn ươm cây giống trồng rừng của người dân thị trấn Ba Chẽ 

Triển khai lập Đề án này, Ba Chẽ đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao trên địa bàn, xác định rõ đối tượng, phạm vi giao đất, giao rừng hoặc thuê đất, thuê rừng trên địa bàn các xã. Qua đây đã xác định được 63 hộ dân trên địa bàn chưa được giao đất, giao rừng lần nào, 298 hộ mới tách khẩu nên cũng chưa có đất trồng rừng, 302 hộ đã được giao nhưng diện tích dưới 5ha.

Trên cơ sở xác định rõ số hộ, đối tượng cần được giao đất, giao rừng, số diện tích rừng, đất lâm nghiệp hiện còn huyện đã xây dựng hạn mức giao cụ thể. Theo đó, hạn mức giao đất, giao rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định không quá 30ha/hộ. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng theo các hộ đã được giao đất, giao rừng trong các năm trước đây, hạn mức giao đất được xác định theo cách, đối với hộ gia đình chưa được giao đất, giao rừng lần nào và hộ mới tách khẩu từ sau năm 2008 đến nay thì hộ có dưới 5 nhân khẩu mức giao không quá 10ha/hộ; hộ có trên 5 nhân khẩu không quá 15ha/hộ.

Đối với hộ đã được giao đất, giao rừng nhưng diện tích được giao dưới 5ha thì hộ có dưới 5 nhân khẩu giao không quá 7ha/hộ; trên 5 nhân khẩu không quá 12ha/hộ. Ngoài ra, hạn mức giao đất, giao rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư thôn căn cứ vào nhu cầu thực tế trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn nước và phương án sản xuất kinh doanh được duyệt. Hạn mức thuê đất, thuê rừng đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở này Ba Chẽ đã xây dựng được kế hoạch thực hiện đến năm 2015. Cụ thể, năm 2013 tổ chức giao đất, giao rừng tại 2 xã Lương Mông và Minh Cầm với tổng số 3.667,87ha; năm 2014 giao đất, giao rừng tại 3 xã Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn với tổng số 5.197,24ha; năm 2015 tổ chức giao đất, giao rừng tại 2 xã Đồn Đạc, Nam Sơn và thị trấn Ba Chẽ với tổng số 2.328,64ha.

Riêng đối với thị trấn Ba Chẽ do diện tích đất lâm nghiệp quá ít không thể lập phương án giao cho các hộ gia đình được, do vậy sẽ tổ chức giao đất có thu tiền sử dụng đất bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình thuộc đối tượng được giao đất và cộng đồng thôn tại các xã xong, quỹ đất lâm nghiệp còn lại sẽ xem xét quyết định cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thuê.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Hiện Đề án đang được triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức cho các hộ dân biện pháp kinh doanh diện tích đất rừng sản xuất được giao theo hướng, những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt đã giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình khi các cây đạt tiêu chuẩn khai thác thì tiến hành làm thủ tục khai thác, tiêu thụ và hưởng lợi theo quy định.

Đối với diện tích rừng sản xuất là tự nhiên có khả năng tái sinh phục hồi thành rừng thì tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ khi các cây đạt tiêu chuẩn khai thác. Với diện tích rừng sản xuất là tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tái sinh phục hồi thành rừng thì làm đơn xin phép cấp có thẩm quyền để trồng rừng. Những diện tích đất không có rừng thì tổ chức trồng rừng, bảo vệ.

Riêng đối với các diện tích rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý giao UBND xã hướng dẫn thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng, trong đó quy định cụ thể thành phần, trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên. Xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng, quy chế phân chia lợi ích từ rừng trong các nhóm hộ, cộng đồng.

Với việc hoàn thành triển khai Đề án này, chúng tôi tin rằng lâm nghiệp của Ba Chẽ không chỉ phát triển bền vững mà mỗi người dân Ba Chẽ thực sự là chủ của những nguồn tài nguyên quý hiếm đó là “vàng xanh”.