Khoét núi “tăm” vàng

ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác vàng trái phép lại diễn ra rầm rộ ở các Bãi Cháy, Hố Bứa, Hố Sơn (thuộc thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước). Dù chính quyền liên tục truy quét nhưng việc xử lý rất khó khăn.

Tranh thủ tận thu

Từ ngã ba Tiên Thọ, vượt chừng hơn 7km là về làng Suối Dưa (Tiên Lập). Từ đây, xe máy ì ạch băng qua những đoạn đường lỗ chỗ ổ voi do xe tải vận chuyển keo và khai thác vàng tàn phá. Trên đường vào Bãi Cháy, dù có nhiều bảng treo của Công ty TNHH Đức Lộc “khu vực mỏ vô phận sự cấm vào” nhưng chúng tôi vẫn quyết chạm đến những lán trại dựng chỏng chơ giữa rừng. Nhà ở công nhân của công ty này có 5 – 7 người đang thảnh thơi ngồi hút thuốc tán chuyện.

Khác hẳn với lần trước chúng tôi đến, khu vực khai thác mỏ của Công ty TNHH Đức Lộc vắng vẻ lạ thường. Anh Thanh, quê ở Hà Tĩnh trông coi nhà máy buồn bã than: “Mỗi tháng chúng tôi ngồi không nhưng vẫn được chủ trả 4 triệu đồng để trông coi tài sản nhà máy và đẩy đuổi đối tượng khai thác trái phép ra khỏi địa bàn. Thế nhưng, có lúc nhóm người khai thác trái phép nhiều vô kể, hung hãn tấn công lại, đành để họ “tăm” (thăm dò, đục vỉa quặng đá tìm vàng – PV) trong ranh giới của công ty”.

Máy móc khai thác vàng còn tại hiện trường bãi Hố Bứa (Tiên Lập)
Máy móc khai thác vàng còn tại hiện trường bãi Hố Bứa (Tiên Lập)

Theo lời giới thiệu của Thanh, lần theo dấu vết xe phá nát rừng làm đường, chúng tôi đến khu vực Hố Sơn (xã Tiên Lập). Đây là địa điểm trước đây Công ty TNHH Đức Lộc đã tổ chức thăm dò, khai thác vàng nhưng bây giờ đã hết thời hạn được phép khai thác. Các hầm lò đánh nham nhở, nhiều hang ngách chưa kịp hoàn thổ. Lợi dụng tình trạng này, lực lượng khai thác vàng trái phép, chủ yếu là người dân bản địa tận dụng tìm “nẹp” quặng, hoặc đua nhau đào bới đất. Một tốp thanh niên gồm 10 người đang hì hục đào một hầm lò sâu chừng hơn 10m.

Tại hiện trường, chúng tôi phát hiện có nhiều tư trang như quần áo, mền mùng, gạo, thực phẩm, nước uống phục vụ cho việc tận thu vàng nhiều ngày. Tưởng là người của công ty vàng, một người vừa chui ra khỏi hầm lò hổn hển nói: “Các anh để cho tụi tôi làm, nếu “trúng mánh” sẽ mua heo, gà lên hậu tạ. Bọn này chỉ “mót” xái vàng mà công ty bỏ ra thôi, chứ không xâm hại ranh giới các anh đâu”.

Chính quyền xã Trà Giác phối hợp với lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My vừa tiến hành kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực sông Nước Vin (thuộc thôn 5, xã Trà Giác). Qua đó, phát hiện 2 điểm khai thác khoáng sản trái phép do ông Lê Tấn Huỳnh Phong (trú xã Trà Giác) làm chủ bãi cùng với 5 công nhân.

Tại hiện trường, còn 1 xe múc, giàn đổ và 2 máy nổ tham gia khai thác vàng. Địa điểm thứ hai do ông Nguyễn Văn Minh làm chủ bãi cùng với 3 công nhân. Hiện trường có 1 lán trại, 1 máy nổ, 1 máy phát điện…

Một kiểu “tăm” vàng thủ công suốt năm này qua tháng nọ nhưng vì không có ai đứng ra ngăn chặn, hoặc nếu có thì cũng cho chiếu lệ nên mức độ tàn phá rất nghiêm trọng. Khu vực có nạn “vàng tặc” xen kẽ rừng tự nhiên với rừng sản xuất của người dân. Vì khai thác kiểu chụp giựt nên để lại nhiều hố hang sâu rất nguy hiểm. Nhiều quả đồi bị cày xới ngang dọc như bãi chiến trường.

Trên đường xuống núi, chúng tôi còn phát hiện hai xe múc nằm giấu ngay bìa rừng, cạnh đó là cửa hầm lò theo dạng quay bị đóng miệng. Hiện trường này cho thấy lực lượng chức năng chỉ mới làm động tác “đóng” hầm, còn lán trại, xe múc hầu như không xử lý.

Theo tiết lộ của người dân địa phương, “vàng tặc” bắt đầu đổ xô về hơn 2 tuần nay. Có thời điểm gần 100 người tham gia đục bới tàn phá núi rừng Suối Dưa. Lo ngại hơn, nhiều nhóm người đã thỏa thuận với người dân địa phương mua đất, đền bù cây trồng để được tận thu vàng.

Không thể giải quyết triệt để?

Tình trạng “vàng tặc” ở Tiên Lập, vùng giáp ranh với xã Tam Lãnh (Phú Ninh) diễn ra công khai, trắng trợn nhưng chính quyền cơ sở lại tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lập cho biết: “Thỉnh thoảng địa phương phối hợp với ngành chức năng của huyện ra quân truy quét và đã đập phá 4 máy nổ. Trên thực tế, chúng tôi không thể giải quyết triệt để được tình trạng khai thác trái phép vì một bộ phận thanh niên ở đây chuyên sống nhờ vào việc làm vàng lộ thiên. Họ xem đây là kế sinh nhai”.

Ông Bằng khẳng định thêm, địa phương không lo ngại nhiều về tình hình an ninh trật tự mà sợ lâu dài việc khai thác vàng sẽ tác động đến môi trường sinh thái, do đối tượng lén lút sử dụng chất độc cyanua. Đề cập chuyện quản lý người lao động từ nơi khác đến các bãi vàng, lãnh đạo chính quyền địa phương cho rằng, hiện Công ty TNHH Đức Lộc có hai địa điểm khai thác ở Bãi Cháy và Hố Bứa. Trên danh nghĩa là một công ty được cấp phép nhưng thực tế lâu nay có ít nhất 3 – 4 đơn vị đăng ký với công an xã “tăm” vàng, làm xong họ bỏ đi biền biệt. Các chuyên gia người Trung Quốc từng đến khảo sát, thử nghiệm công nghệ khai thác mới rồi lại về.

Theo ông Lê Trí Hiệu – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tình trạng khai thác vàng lén lút xảy ra trên địa bàn xã Tiên Lập là có thật. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương trong dịp trước, trong và sau tết là tăng cường lực lượng thường xuyên tổ chức truy quét, đẩy đuổi đối tượng “vàng tặc” ra khỏi địa bàn.