Buông lỏng quản lý, trang trại sinh thái 38 ha mọc trên rừng sản xuất

Trên đất rừng sản xuất, chủ đầu tư từng bước hình thành trang trại du lịch sinh thái trải nghiệm quy mô 38 ha dù chưa được cơ quan chuyên môn chấp thuận.

Khu du lịch sinh thái hoành tráng đang dần hình thành tại khu vực Khe Răm của xã Văn Sơn bất chấp chủ đầu tư chỉ được phép trồng rừng đơn thuần. Ảnh: Việt Khánh.

Đi tắt đón đầu

Mới đây NNVN tiếp nhận nguồn tin, tại khu vực Khe Răm, thuộc địa bàn xã Văn Sơn (Đô Lương, Nghệ An) xảy ra tình trạng xây dựng trang trại sinh thái trái phép, sai mục đích trên đất rừng sản xuất với quy mô 38 ha.

Nhằm rộng đường dư luận, PV đã tiếp cận hiện trường và làm việc cùng các bên liên quan, kết quả cho thấy phản ánh nêu trên hoàn toàn có cơ sở.

Trên lý thuyết, Hợp tác xã 19.5 Đô Lương chỉ được phép trồng dổi lấy hạt. Ảnh: Việt Khánh.

Đích thân những người trong cuộc khẳng định, khu vực triển khai là đất rừng sản xuất được giao cho các hộ dân, cá nhân và hợp tác xã (HTX) quản lý, sử dụng. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng thì bắt tay triển khai trồng rừng, về sau “thấy đẹp mới tiến tới chuyển đổi mục đích” từ đất lâm nghiệp sang đất dự án, kết hợp vừa trồng rừng vừa làm du lịch sinh thái (?!)

Phía chủ đầu tư quả quyết, tháng 6/2019 chính thức hoàn thành công tác chuyển nhượng, tháng 8/2019 thực hiện các công đoạn ban đầu, 3 tháng sau bắt tay vào trồng rừng, trọng tâm là trồng dổi lấy hạt với quy mô hàng chục ngàn cây.

Nội dung trên là có thật, dù vậy nếu đánh giá tổng quan thì dường như chủ đầu tư đang chủ động… đi tắt đón đầu. Trên thực tế, nơi đây đã được phân khu chi tiết, rõ ràng theo mô hình trang trại sinh thái. Bằng chứng ngoài một phần diện tích trồng dổi thì một số tuyến đã bài trí hàng loạt săng lẻ đắt đỏ, hệ thống đường giao thông cũng được bê tông hóa chắc chắn, phần cổng chào và nhà điều hành dựng lên hoành tráng…

Dù vậy nhiều hạng mục khác “ngoài luồng” đã mọc lên, đơn cử như hàng loạt cây săng lẻ đắt đỏ với chiều cao 5 – 7 mét trong hình. Ảnh: Việt Khánh.

Quá hồ sơ tài liệu được cung cấp, đơn vị đứng tên dự án “khủng” này là Hợp tác xã 19.5 Đô Lương. Trên cơ sở đề xuất chủ trương “trồng cây gỗ dổi lấy hạt và giáo dục trải nghiệm” của đơn vị này, ngày 1/4/2021 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn phản hồi gửi đến các bên liên quan yêu cầu cho ý kiến.

Trong nội dung đề xuất của HTX 19.5 Đô Lương, mục tiêu của dự án là trồng cây gỗ dổi, cây dược liệu, chăn nuôi gia cầm; hoạt động thể thao giải vui chơi giải trí gắn với du lịch trải nghiệm; chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ phục vụ du khách, học sinh, sinh viên.

Nhà đầu tư quả quyết dự án phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của huyện Đô Lương. Khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp các dịch vụ cấp thiết cho người dân trong và ngoài tỉnh, sẽ nâng cao chất lượng giáo dục trải nghiệm thực tế, đồng thời góp phần phủ xanh đất trồng đồi trọc, hình thành khu vực sinh thái nhờ hệ thống cây gỗ lớn. Ngoài ra còn giải quyết nhu cầu việc làm cho khoảng 300 lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Lợi ích hay không là câu chuyện ở thì tương lai, trước mắt việc HTX 19.5 Đô Lương đang thực hiện theo hình thức “vượt rào” là hành vi trái với quy định.

Xung quanh dự án này đang xuất hiện không ít mối ngoài nghi. Chẳng nói đâu xa, với tổng mức đầu tư lên đến 135 tỷ đồng nhiều luồng ý kiến nghi ngại, liệu một HTX còn non trẻ về tuổi đời lẫn kinh nghiệm (đăng ký giấy chứng nhận lần đầu ngày 12/3/2021; đăng ký thay đổi lần 1 ngày 25/3/2021) có cáng đáng nổi?

Chính quyền mở lối

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Văn Sơn khẳng định dự án đang trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền chứ chưa diễn ra. Trước đây các xã viên của HTX trồng tràm, bạch đàn về sau chuyển đổi sang trồng dổi lấy hạt.

‘Nhà bảo vệ rừng” (bên trái) được chủ đầu tư xây dựng lên sau khi có tờ trình của xã Văn Sơn và chủ trương chấp thuận của huyện Đô Lương. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Bình cũng cho biết thêm, HTX đã xây dựng nhà bảo vệ rừng trong khuân viên vào cuối năm 2019, thời điểm này ông Bình chưa luân chuyển công tác về địa phương: “Chủ tịch xã đương thời lúc ấy có tờ trình, huyện đồng ý cho triển khai”.

Theo quan sát của PV, thực chất “nhà bảo vệ rừng” trong khuân viên trang trại sinh thái mà ông Bình nhắc đến là một hạng mục công trình bề thế, được xây dựng chắc chắn và không kém phần hào nhoáng. Nếu chỉ đảm đương nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần quả thực vô cùng hoang phí và không sát với thực tiễn.

Cổng vào hoàng tráng ngang nhiên được dựng lên trong thời điểm đang chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, hành vi này bị chính quyền xã Văn Sơn tuyết còi bằng mức phạt hành chính 3 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Không dừng lại, trong quá trình chờ đợi ý kiến của các sở, ngành thì HTX 19.5 Đô Lương lại tự ý xây dựng hạng mục cổng ra vào với quy mô choáng ngợp không kém. Sau khi nắm bắt tình hình, UBND xã Văn Sơn đã lập biên bản xử phạt hành chính… 3 triệu đồng.

“Giơ cao đánh khẽ” là vậy nhưng đại diện chính quyền lại mạnh miệng tuyên bố: Trước mắt đã yêu cầu dừng ngay hoạt động xây dựng để hoàn thiện các thủ tục, bao giờ nhận được quyết định phê duyệt mới cho phép triển khai.

Phía Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thông tin, khu vực 38 ha mà Hợp tác xã 19.5 Đô Lương đề xuất dự án “trồng cây gỗ dổi lấy hạt và giáo dục trải nghiệm” là đất rừng sản xuất. Lạ thay, ông Nguyễn Thanh Bình lại cho rằng có 8 ha là… rừng phòng hộ.