Làng nghề gỗ trong bối cảnh thực thi FLEGT và REDD+ tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2011 xuất khẩu G&SPG đạt khoảng 3,9 tỉ USD. Kim ngạch thu được từ thị trường nội địa khoảng 1,5 tỉ USD

Hiện Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề chế biến gỗ, với 50% trong số đó tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Một số làng nghề như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định) đã và đang có các sản phẩm xuất khẩu. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu các làng nghề đạt khoảng 250 triệu USD/năm. Làng nghề gỗ có vai trò quan trọng đối với thị trường nội địa, bởi khoảng 80% sản phẩm gỗ tiêu thụ tại thị trường nội địa được cung cấp bởi các làng nghề.

Năm 2010, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu EU đã chính thức tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Kế hoạch Hành động về Tăng cường Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) do EU khởi xướng. Mục đích chính của Kế hoạch này là việc đàm phán và thiết lập các cơ chế đảm bảo các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU là sản phẩm hợp pháp. Khi VPA được kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và EU, các sản phẩm gỗ có nguồn gốc không minh bạch từ Việt Nam sẽ bị loại khỏi thị trường EU. Thực hiện FLEGT-VPA sẽ góp phần hạn chế khai thác và sử dụng gỗ bất hợp pháp, tăng cường quản trị rừng bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đang tham gia sáng kiến Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), theo đó Việt Nam cam kết đưa ra các cơ chế và biện pháp hiệu quả nhằm bảo tồn được nguồn tài nguyên rừng hiện có, góp phần duy trì và làm giàu bể chứa các bon lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững. Thực hiện REDD+ sẽ góp phần tăng cường quản trị rừng, giảm thiểu việc khai thác gỗ bất hợp pháp trong phạm vi quốc gia.

Hàng năm, các làng nghề gỗ tại Việt Nam sử dụng khoảng 300.000 – 400.000 m3 gỗ nguyên liệu, trong đó lượng gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên là rất lớn. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề sẽ chịu tác động trực tiếp bởi các cơ chế và chính sách được thiết kế trong khuôn khổ của FLEGT và REDD+.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Với sự hỗ trợ về tài chính của Cơ quan Phát triển của Chính phủ Na Uy (NORAD) và Chính phủ Vương quốc Anh (DFID), tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) thực hiện nghiên cứu Thực trạng sản xuất kinh doanh tại một số làng nghề trong bối cảnh thực thi FLEGT và REDD+ tại Việt Nam. Nghiên cứu tập trung vào 5 làng nghề: Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Hữu Bằng (Hà Nội), Vạn Điểm (Hà Nội), La Xuyên (Nam Định) và Liên Hà (Hà Nội). Các làng nghề khác nhau về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, gỗ nguyên liệu, nguồn gốc gỗ. Nét chung của các làng là quy mô sản xuất hộ gia đình là chủ yếu.

Một số nét cơ bản của 5 làng nghề nghiên cứu

   Địa điểm

Đặc điểm chính

  Đồng Kỵ
  • Sử dụng các sản phẩm gỗ tự nhiên thuộc nhóm là gỗ quý IA và IIA;
  • Gỗ có nguồn gốc nhập khẩu;
  • Sản phẩm xuất khẩu (chủ yếu) và tiêu thụ trong nước;
  • Sản phẩm đầu ra là các sản phẩm truyền thống (bàn ghế mỹ nghệ kiểu dáng cổ).
  Vạn Điểm
  • Sử dụng các sản phẩm gỗ tự nhiên thuộc nhóm gỗ quý nhóm IA và IIA (hương, gụ, mun, trắc (ít hơn Đồng Kỵ);;
  • Gỗ có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu);
  • Sản phẩm xuất khẩu (rất ít) và tiêu thụ trong nước (chủ yếu);
  • Sản phẩm đầu ra mang tính chất truyền thống, tuy nhiên chất lượng và mẫu mã kém các sản phẩm của Đồng Kỵ.
  La Xuyên
  • Sử dụng gỗ tự nhiên thuộc nhóm gỗ quý IA và IIA;
  • Gỗ có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu) và trong nước;
  • Sản phẩm bàn ghế mỹ nghệ, phục vụ thị trường trong nước.
  Hữu Bằng
  • Sử dụng gỗ tự nhiên (ít), gỗ vườn nhà, gỗ nhập khẩu (sồi) và ván nhân tạo;
  • Sản phẩm là đồ gỗ tân thời, các sản phẩm sử dụng trong ngành xây dựng;
  • 100% sản phẩm phục vụ thị trường nội địa.
  Liên Hà
  • Gỗ nguyên liệu từ vườn nhà, gỗ nhân tạo sản xuất trong nước;
  • Sản phẩm là đồ gỗ tân thời, phục vụ thị trường trong nước (đồ gỗ gia đình, văn phòng, và xây dựng).

Các kết quả chính của nghiên cứu này được giới thiệu tại Số Chuyên đề Làng nghề chế biến gỗ trong bối cảnh thực thi FLEGT và REDD+ tại Việt Nam. Trong đó, ở bài viết Làng nghề gỗ Việt nam: những nét khái quát chung, tác giả Nguyễn Tôn Quyền đã giới thiệu những nét cơ bản về sử dụng nguyên liệu tại các làng nghề, các vấn đề lao động, môi trường tại, tầm quan trọng của các làng nghề này đối kinh tế địa phương và quốc gia. Tác giả cho rằng sản xuất kinh doanh của làng nghề tiềm ẩn một số rủi ro, đặc biệt là vấn đề pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động và an toàn lao động. Đây là các rào cản cho việc phát triển bền vững các làng nghề.

Với bài viết Sắc màu văn hóa làng nghề: tâm linh và hiện thực, tác giả Linh Đan đã phân tích mối quan hệ văn hóa trong việc ứng xử giữa con người và thiên nhiên. Theo tác giả, văn hóa này tại các làng nghề hiện đang bị mai một. Để đảm bảo tính bền vững tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất và người tiêu dung các sản phẩm gỗ cần duy trì tính trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên.

Theo tác giả Lê Duy Phương, hiện nay các làng nghề gỗ đang sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu gỗ không minh bạch. Cụ thể, trong bài viết Sử dụng nguyên liệu gỗ tại làng nghề: cần minh bạch, tác giả cho rằng sự không minh bạch được tạo ra bởi 5 yếu tố chính: (i) sự thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin về cơ chế chính sách có liên quan đến nguồn nguyên liệu, môi trường, lao động tại các làng nghề; (ii) sự thiếu quan tâm của các cơ sở sản xuất đến nguồn gốc gỗ nguyên liệu, bao gồm cả tình trạng pháp lý của gỗ nguyên liệu; (iii) phát triển tự phát của các làng nghề, do chạy theo nhu cầu của thị trường mà không có chiến lược phát triển lâu dài; (iv) việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại cấp địa phương về các vấn đề như nguồn nguyên liệu, lao động, và môi trường; (v) thiếu cơ quan đại diện của các cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Trong bài viết Hướng mở cho phát triển nghề gỗ ở Đồng Kỵ, tác giả Giao Linh bên cạnh việc phân tích một số điểm mạnh và hạn chế của làng gỗ Đồng Kỵ, trong đó có việc sử dụng nguyên liệu gỗ không bền vững. Theo tác giả, với cách vận hành như hiện nay Đồng Kỵ sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong tương lai, đặc biệt khi các chính sách về quản lý về nguồn nguyên liệu, môi trường, lao động được ban hành.

Tác động của FLEGT và REDD+ đến làng nghề chiến biến gỗ?

Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với EU về Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA). Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là việc thiết lập Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (TLAS). Hệ thống TLAS là cơ chế kiểm soát chặt chẽ ở từng khâu của quá trình sản xuất, chế biến và lưu thông, nhằm đảm bảo nguyên liệu sử dụng là hợp pháp và không bị trộn với các nguồn nguyên liệu khác trước khi sản phẩm cuối cùng được tạo ra và lưu thông trên thị trường. Hệ thống Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ bao gồm các hợp phần quan trọng: (i) định nghĩa gỗ hợp pháp, (ii) kiểm soát chuỗi cung; (iii) cơ chế nhằm xác minh sự tuân thủ với định nghĩa gỗ hợp pháp và tuân thủ kiểm soát chuỗi cung (i và ii).

Gỗ hợp pháp là gỗ đảm bảo được việc tuân thủ tất cả các điều kiện quy định về tính hợp pháp của sản phẩm, bắt đầu từ việc khai thác hợp pháp (khai thác trên đất hợp pháp, khai thác đúng nơi quy định, tuân thủ các quy định về an toàn lao động trong khai thác, v.v.) cho đến vận chuyển (vận chuyển bởi công ty có giấy phép, đúng tải trọng, có hợp đồng vận chuyển, v.v.), tuân thủ các quy định trong chế biến và thương mại sản phẩm (tuân thủ các quy định về an toàn lao động, môi trường, về giao dịch thương mại sản phẩm).

Việc tuân thủ các quy định này phải được kiểm chứng bởi Chuỗi hành trình sản phẩm.

Việt Nam đang kế hệ thống TLAS nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ được sử dụng trong chuỗi cung. Theo dự kiến, TLAS sẽ được thiết lập cho phạm vi quốc gia và các sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp phép FLEGT. Hiện nay làng nghề không có, hoặc có nhưng số lượng rất ít các sản phẩm được xuất khẩu vào EU, việc thiết lập Hệ thống TLAS sẽ tác động trực tiếp đến làng nghề, bởi lý do sau:

Khi mua gỗ các hộ sản xuất thường không quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn gỗ và hóa đơn bán hàng. Điều này giúp hộ giảm được 10% thuế giá trị gia tăng, tạo cơ hội về giá sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, hệ thống TLAS khi được thiết lập sẽ đòi hỏi các hộ sản xuất, người buôn gỗ, vận chuyển, các cửa hàng phân phối sản phẩm cuối cùng phải tuân thủ tất cả các quy định của Nhà nước có liên quan, và việc tuân thủ cần có bằng chứng rõ ràng. Sẽ rất khó khăn để các nhóm thực hiện được việc này. Bên cạnh đó, tuân thủ các quy định sẽ làm phát sinh một số chi phí thời gian và thay đổi cách thức quản lý của cơ sở này phải chịu. Các chi phí có thể lồng nghép vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay tiêu dung cũng chưa quan tâm đến nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ, việc tăng giá sẽ có thể làm cho họ từ chối mua sản phẩm.

Nhiều làng nghề đang sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu, bao gồm các loại gỗ thông thường và gỗ quý. Đã có một số cáo buộc rằng Việt Nam đang sử dụng gỗ nhập khẩu có nguồn gốc không minh bạch, đặc biệt là các loại gỗ quý nhóm IA và IIA. Sử dụng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc không minh bạch có ý nghĩa trực tiếp đến việc thực hiện FLEGT tại Việt Nam

Trong khuôn khổ TLAS, áp dụng cho cả quốc gia, sản phẩm gỗ sẽ được được coi là hợp pháp (theo định nghĩa gỗ hợp pháp) khi các công đoạn của quá trình mà sản phẩm gỗ đi qua tuân thủ được tất cả các quy định có liên quan, bao gồm cả những quy định về môi trường, sử dụng lao động và an toàn lao động. Đây sẽ là những thách thức lớn cho làng nghề gỗ hiện nay. Ô nhiễm môi trường trong làng nghề hiện nay đang trong giai đoạn báo động. Do thiếu mặt bằng sản xuất, các cơ sở sản xuất thường được đặt lồng ghép vào các khu dân cư đã gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư. Đến nay hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa trang bị các thiết bị xử lý môi trường.

Về lao động tại các làng nghề, hình thức phổ biến là hợp đồng miệngĐiều này phản ánh việc không tuân thủ các quy định về sử dụng lao động và an toàn lao động tại các làng nghề. Hệ thống TLAS được thiết lập và vận hành cần phải có sự tổ chức lại hình thức lao động tại làng nghề. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi về nhận thức của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Tại địa phương, cơ chế giám sát việc tuân thủ các quy định có liên quan trong làng nghề rất hạn chế, chủ yếu do sự lỏng lẻo trong hệ thống quản lý. Điều này sẽ là một khó khăn lớn khi hệ thống TLAS được thiết lập và vận hành.

Sản xuất và kinh doanh của các làng nghề gỗ có ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động REDD+ tại Việt Nam. Do nhu cầu thị trường sử dụng gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên vẫn còn, làng nghề gỗ vẫn là nơi tiêu thụ các loại gỗ này nhằm cung cấp cho thị trường. Việc sử dụng gỗ tự nhiên có tác động trực tiếp đến việc quản lý và bảo vệ rừng tại Việt Nam. Thực hiện REDD+ thành công đòi hỏi cần phải có các thay đổi về quản lý và cơ chế thực hiện tại cấp Trung ương và địa phương, và không chỉ đơn thuần ở cấp quốc gia mà còn cả tại cấp địa phương. Nói cách khác, muốn thực hiện thành công REDD+ cần phải tăng cường việc quản trị rừng, trong đó bao gồm việc thiết lập các cơ chế nhằm đảm bảo sự tham gia có hiệu quả của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các hộ gia đình đang sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, các hộ đang cung cấp nguyên liệu đầu vào cho làng nghề và hàng vạn lao động đang làm việc tại các làng nghề.

Để thực hiện FLEGT và REDD+ hiệu quả tại Việt Nam, một trong những hoạt động quan trọng cần được tiến hành càng sớm càng tốt là tham vấn với các cơ sở sản xuất làng nghề về các vấn đề có liên quan. Tham vấn bắt đầu bằng việc cung cấp cho làng nghề các thông tin cơ bản về các vấn đề có liên quan, đặc biệt là về vấn đề tính pháp lí của nguồn nguyên liệu, môi trường, lao động, và các thay đổi về cơ chế chính sách trong tương lai. Vấn đề “được – mất” đối với làng nghề gỗ trong bối cảnh thực hiện FLEGT và REDD+ cần phải quan tâm cả 3 khía cạnh – lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. Cần phải chuẩn bị cho các làng nghề nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới khi thực hiện FLEGT và REDD+, và việc thực hiện các yêu cầu cần có lộ trình nhằm tránh những xáo trộn đột biến về sản xuất kinh doanh tại các làng nghề.

TS. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, Hoa Kỳ