Triệt hạ rừng phòng hộ

ThienNhien.Net – Trong khi văn bản của UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp chặt phá rừng phòng hộ ven biển tại khu vực Dự án Phong điện Phương Mai 1 chưa ráo mực thì những cánh rừng phòng hộ thuộc khu vực Dự án Phong điện Phương Mai 3 tiếp tục bị “khai tử”.

Bảo vệ tham gia phá rừng

Theo ông Võ Hữu Quế, những ngày cao điểm có gần 100 người mang cả cưa máy vào rừng đốn cây dương (Ảnh: Vũ Đình Thung/Nông nghiệp Việt Nam)
Theo ông Võ Hữu Quế, những ngày cao điểm có gần 100 người mang cả cưa máy vào rừng đốn cây dương (Ảnh: Vũ Đình Thung/Nông nghiệp Việt Nam)

Tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển tại địa bàn các huyện Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn đã âm ỉ nóng từ nhiều năm qua. Thế nhưng phá rộ nhất là từ đầu tháng 11/2012 đến nay. Cánh rừng bị tàn sát dữ dội nhất trong thời gian gần đây thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với 50 ha đã được giao cho 50 hộ dân thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, Tuy Phước) trồng và chăm sóc từ năm 1999. Người đại diện cho nhóm 50 hộ dân này là ông Võ Hữu Quế (58 tuổi) ở thôn Huỳnh Giản Bắc.

Theo ông Võ Hữu Quế, những ngày cao điểm có gần 100 người mang cả cưa máy vào rừng đốn những cây dương mang về nhà đốt than hoặc bán củi. “Ngoài người dân địa phương, nhiều người thuộc tổ bảo vệ rừng của Công ty Phong điện Phương Mai cũng tham gia phá rừng”, ông Quế cho biết thêm.

Theo ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, đã có khoảng 10 ha rừng phòng hộ tại địa phương bị triệt hạ.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn yêu cầu lực lượng công an phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Bình Định và các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, làm rõ các đối tượng chặt phá rừng phòng hộ tại khu vực dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1. UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Công ty Phong điện Phương Mai chấn chỉnh, khắc phục ngay những bất cập trong việc thuê người làm công tác bảo vệ rừng phòng hộ thuộc dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Công ty Phong điện Phương Mai, cho biết: “Chúng tôi đã thanh lý hợp đồng với tổ bảo vệ rừng cũ, hợp đồng thuê nhưng người có uy tín ngay tại thôn Huỳnh Giản Bắc tham gia bảo vệ rừng”.

Nạn phá rừng lây lan

Trong khi các ngành chức năng chưa kịp xử lý vụ việc nói trên thì những cánh rừng phòng hộ ven biển ở khu vực thuộc Dự án Phong điện Phương Mai 3 nằm trên địa bàn thôn Phú Hậu (Cát Chánh, Phù Cát) tiếp tục bị đốn hạ. Nhiều người dân địa phương cho biết: “Nếu như trước kia, các đối tượng chặt phá rừng lén lút vào sâu bên trong rừng phòng hộ “ăn từ ruột ăn ra” để tránh tai mắt của ngành chức năng thì nay họ chặt phá ngang nhiên, nhiều cây dương nằm lồ lộ ven đường ĐT 639 cũng bị đốn hạ”.

“Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm Phù Cát đã chỉ đạo cho Trạm Kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND xã Cát Chánh và tổ bảo vệ rừng của Dự án Phong điện Phương Mai 3 tăng cường kiểm tra những cánh rừng phòng hộ ven biển; đồng thời tiến hành làm rõ các đối tượng phá rừng, mời họ đến UBND xã làm cam kết. Vào ngày 12/1 vừa qua, 110 khúc dương vô chủ được tạm giữ và đưa về UBND xã Cát Chánh xử lý”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát.

Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, các đối tượng chặt phá những cánh rừng phòng hộ thuộc Dự án Phong điện Phương Mai 3 chủ yếu là người dân ở thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh) và một số người ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát). Trước kia, các đối tượng phá rừng chỉ chặt những cây dương có đường kính từ 10 – 15 cm để về hầm than. Thế nhưng hiện nay, họ chọn những cây to, có đường kính lớn 20 – 30 cm mới chặt nhằm thu được nhiều than hơn. Vào những lúc cao điểm, cánh rừng này bị hàng chục đối tượng kéo nhau vào rừng mang theo cả cưa máy để đốn rừng dương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án Phong điện Phương Mai 3 thuộc tiểu khu 281B, có diện tích khoảng 145 ha (trong đó đất có rừng chiếm khoảng 125 ha). Từ khi được UBND tỉnh giao đất, đơn vị chủ quản là Công ty Phong điện Phương Mai thuê người bảo vệ, quản lý rừng. Hiện tổ bảo vệ tại Dự án Phong điện Phương Mai 3 có 5 người, nhận mức phí bảo vệ 400.000 đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Đức Thính, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thuộc Dự án Phong điện Phương Mai 3, cho biết: “Lợi dụng đêm tối, các đối tượng vào rừng cưa, chặt phá rất nhiều cây dương. Thú thật, tổ bảo vệ chúng tôi có tuần tra, kiểm soát nhưng khó bắt được tại trận. Vừa rồi, chúng tôi phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Phù Cát kiểm tra một ngôi nhà hoang, phát hiện 110 khúc dương vô chủ, mỗi khúc dài 0,5 m”.

Theo ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh (Phù Cát), tình trạng chặt phá rừng phòng hộ ven biển hầu như năm nào cũng xảy ra. Đặc biệt, vào thời điểm trước tết Âm lịch, nhu cầu sử dụng than nhiều, giá bán than tăng cao nên kích thích người dân chặt phá dương mang về hầm than để bán. Hiện nay, giá 1 kg than là 7.000 đ, vài ba cây dương to là có thể hầm ra cả trăm kg than, kiếm cả 700.000 đ nên dù biết phạm pháp, những đối tượng phá rừng dương vẫn bất chấp.