TP.Hồ Chí Minh: Ô nhiễm không khí gia tăng

ThienNhien.Net – Môi trường TP Hồ Chí Minh ngày càng ô nhiễm tới mức đáng lo ngại khi các chỉ số về bụi, khí thải; nhất là nồng độ các chất độc hại trong không khí như ben-den, ni-tơ ô-xít… đo được mỗi năm mỗi cao. Ô nhiễm không khí đã gây các bệnh về hô hấp gia tăng nhanh chóng.

Ô nhiễm do khí thải

Kết quả kiểm tra từ sáu trạm quan trắc không khí thường xuyên đặt tại các điểm nóng về giao thông tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hơn 90% mẫu không đạt chuẩn và luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe con người, trong đó lượng bụi lơ lửng sinh ra từ khói xe, bụi đường đang là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu. Nồng độ bụi lơ lửng trung bình dao động 0,38 – 0,76 mg/m3, vượt quy chuẩn Việt Nam từ 1,26 đến 2,55 lần. Riêng có những tháng mùa khô, nồng độ bụi trung bình lên tới 1,47 mg/m3. Cùng với bụi, có 45% mẫu quan trắc nồng độ NO2 và 67% mẫu quan trắc nồng độ ben-den… cũng vượt quy chuẩn Việt Nam .

Ô nhiễm không khí gia tăng, phần lớn người dân phải sử dụng khẩu trang khi ra đường (Ảnh: Nguyễn Hữu/Đất Việt)
Ô nhiễm không khí gia tăng, phần lớn người dân phải sử dụng khẩu trang khi ra đường (Ảnh: Nguyễn Hữu/Đất Việt)

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng phần lớn do khí thải từ các phương tiện giao thông. Chỉ tính riêng lượng xe ô-tô do thành phố quản lý hiện nay lên đến khoảng 450 nghìn xe và 4,5 triệu xe gắn máy các loại, chưa kể hằng ngày có thêm khoảng 60 nghìn ô-tô các tỉnh khác lưu thông trên địa bàn thành phố; đồng thời tình trạng kẹt xe xảy ra ngày càng thường xuyên, liên tục cũng là nguyên nhân làm dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp cũng góp phần gia tăng lượng khói bụi đáng kể. Theo thống kê, hiện có tới 50% nhà máy, cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải ra môi trường nhưng chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sinh sống chung quanh.

PGS. TS Nguyễn Ðinh Tuấn, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Không khí khu vực ven đường tại thành phố đang bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi lơ lửng, ben-den và khí NO2. Tại khu vực dân cư, cơ bản nồng độ các chất ô nhiễm không khí đều thấp hơn quy chuẩn Việt Nam . Bên cạnh đó, mặc dù nồng độ chì tuy nhỏ hơn quy chuẩn cho phép nhưng khá cao so với các thành phố khác”.

Sức khỏe bị đe dọa

PGS. TS Nguyễn Ðinh Tuấn cho rằng, với mức độ ô nhiễm như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, nhất là những người phải thường xuyên làm việc hoặc sinh sống ở khu vực ven đường. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa nghiên cứu về tác hại của môi trường không khí đến sức khỏe của con người, bởi những nghiên cứu về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tật ở TP Hồ Chí Minh còn rất ít.

Theo các chuyên gia y tế, sức khỏe của con người bị ảnh hưởng tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc với loại chất ô nhiễm, nồng độ… Những người dễ bị ảnh hưởng nhất là người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh về tim mạch. Mức độ ô nhiễm không khí cao có tác hại về sức khỏe như: tim mạch, bệnh hô hấp, ảnh hưởng quá trình lão hóa… Bên cạnh đó, người dân phải thường xuyên hít những chất hữu cơ bay hơi như ben-den là vô cùng nguy hại bởi đây là chất có khả năng gây ung thư cao.

Theo thống kê từ các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các bệnh về hô hấp ở trẻ em ngày một gia tăng qua từng năm. Các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn… là những bệnh có liên quan ô nhiễm không khí cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm, số bệnh nhân sống ở TP Hồ Chí Minh đến khám các bệnh liên quan hô hấp đều gia tăng. Trung bình mỗi ngày có gần 1.000 người đến khám tại bệnh viện, trong đó hơn một nửa là bị các bệnh như: viêm xoang, viêm mũi và hầu hết được chẩn đoán do hít khói bụi ô nhiễm.

Ðể hạn chế ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh, hiện Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố đang tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện các vi phạm bảo vệ môi trường về khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp lực lượng quản lý thị trường và ngành giao thông tổ chức đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải lưu thông vào các khu vực nội thành, ở các giao lộ và trên các tuyến đường chính của thành phố.