Xử lý ô nhiễm nước thải, rác thải bằng các chủng vi sinh vật

ThienNhien.Net – Việc sử dụng các chủng vi sinh vật môi trường được coi là biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải.
Phòng Vi sinh vật môi trường, Viện Công nghệ Môi trường (Viện KH-CN Việt Nam) đã thành công với chế phẩm sinh học xử lý nguồn nước ô nhiễm. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập và tuyển chọn được 30 chủng xạ khuẩn và 20 chủng vi khuẩn ưa nhiệt, có ưu điểm phân hủy mạnh các chất hữu cơ trong nước thải. Chế phẩm đã được sử dụng kết hợp với thực vật thủy sinh (bèo Nhật Bản) để xử lí ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề tái chế nhựa Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Sau 1 tháng, nước ao từ loại bị ô nhiễm nặng đã đạt nước mặt loại B (theo QCVN 08:2008/BTNMT). Không những thế, chế phẩm vi sinh còn được áp dụng để xử nước thải chăn nuôi và nước thải làm bún, bánh đa tại các rãnh thoát nước tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đều cho kết quả xử lí rất tốt, về cảm quan giảm được mùi hôi thối, các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, vi sinh vật gây bệnh giảm được 5 – 6 lần so với khi không sử dụng chế phẩm.
TS. Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ môi trường đánh giá, công nghệ vi sinh vật đang được nghiên cứu, áp dụng trong xử lí nước thải công nghiệp, sản xuất các sản phẩm tự nhiên thân thiện môi trường, cải tạo, phục hồi các hệ sinh thái, các vùng đất bị ô nhiễm. Đồng thời, công nghệ vi sinh vật còn được coi là một công nghệ sạch, tạo đà cho sự phát triển bền vững. Sản phẩm thu được sau quá trình xử lý bằng công nghệ sinh học rất thân thiện với môi trường…
Ưu điểm nổi bật của công nghệ sử dụng vi sinh vật trong xử lý ô nhiễm môi trường là giảm chi phí so với các phương pháp khác. Đồng thời, công nghệ này cũng rất hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Theo Thạc sỹ Phạm Hương Quỳnh, Giảng viên khoa Quản lý Công nghiệp và Môi trường (Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên), nếu xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học có ưu điểm hiệu quả rất nhanh, chi phí ban đầu thấp, nhưng nguồn nước sau xử lý lại có những tác dụng phụ không mong muốn và phải xử lý lại nhiều lần, như vậy chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. Trong khi xử lý bằng vi sinh vật chỉ phải đầu tư một lần nhưng hiệu quả kéo dài, bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công nghệ này vẫn chưa được đầu tư đúng mức nên không ít các mô hình hiệu quả chưa được nhân rộng.