“Xẻ thịt” rừng nghiến cổ

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung (Na Hang) và ở xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), hàng trăm cây nghiến cổ, nhiều cây cả chục người ôm không xuể đang bị lâm tặc “xẻ thịt”.

Có mặt tại điểm nóng này, chúng tôi nhẩm tính có hàng chục cây nghiến đường kính từ 0,7 – 1,3m đã bị lâm tặc cưa đổ, cắt thớt hoặc xẻ thành từng thanh, phách vuông vức. Những cành nhỏ được cắt khúc dài khoảng 70 – 80cm, để làm lục bình xếp ngổn ngang, nhiều cây nhựa vẫn còn tứa ra… Chua xót, tôi gọi điện thoại thông báo cho ông Nguyễn Thế Đồi – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang về tình trạng trên.

281212_TN_nghien
(Ảnh minh họa: Thanh Niên)

Ông Đồi bảo: “Tình trạng phá rừng ở đây không còn “nóng” nữa, chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt truy quét, làm gì có chuyện “tặc nghiến” phá rừng như các anh nói”. Có lẽ nếu chưa băng rừng, vượt đèo “mục sở thị” rừng nghiến bị tàn sát, mà nghe ông Đồi nói vậy thì đáng mừng quá. Nhưng điều đáng buồn là khi gọi điện cho ông Đồi chúng tôi đang ngồi trên một gốc cây nghiến cả mấy người ôm vừa bị lâm tặc cưa đổ, vẫn còn tươi màu máu cây. Càng lên cao nghiến bị khai thác trái phép càng nhiều vô kể. Không chỉ nghiến, vô số cây kháo đá và một số loài cây gỗ tốt đều bị lâm tặc chặt hạ, chuyển ra khỏi rừng.

Chúng tôi tìm đến trụ sở Hạt Kiểm lâm Na Hang để tìm gặp ông Nguyễn Thế Đồi thì thấy một chiếc xe chất đầy gỗ nghiến đang đậu ở sân Hạt Kiểm lâm. Hỏi ông Đồi về “xuất xứ” của xe gỗ này, ông Đồi cho hay: “Số gỗ trên là gỗ tạp thu giữ của lâm tặc, được sự chỉ đạo của cấp trên nên Hạt thanh lý theo hình thức bán đấu giá”. Tuy nhiên, xe gỗ mà ông Đồi bảo là “gỗ tạp”, không chỉ có gỗ tròn, trên xe còn có nhiều sập nghiến rộng tới 1m.

Sau khi đưa cho ông Đồi xem những hình ảnh chúng tôi đã ghi lại về tình trạng phá rừng ở đây, ông Đồi chối phăng: “Còn Khu bảo tồn Na Hang có độ che phủ hơn 80%, về tình trạng phá rừng thỉnh thoảng mới có, Hạt đã phối hợp với lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương các xã truy quét ngăn chặn. Ở Na Hang cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng phá rừng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Tải – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang cho biết: “Na Hang có nhiều loại gỗ lớn và quý, vì vậy chúng tôi thường xuyên cho đội cơ động đi tuần và đã bắt, truy tố nhiều vụ vi phạm. Nhưng vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng, các trạm kiểm lâm thiếu trang thiết bị, ca nô hơn nữa địa bàn có nhiều đường thủy, thuyền bè đi lại tự do nên rất khó khăn trong công tác quản lý”.