Nhọc nhằn giữ rừng phòng hộ

ThienNhien.Net – Không được công nhận là lực lượng chính quy như những cán bộ trong ngành kiểm lâm, nhưng những người giữ rừng phòng hộ đầu nguồn Ðồng Xuân (Phú Yên) đang phải đối mặt với muôn vàn gian truân, vất vả. Người ít, rừng nhiều, không có công cụ hỗ trợ, lại gặp vướng bởi nhiều quy định bất cập, họ đang “gồng mình” bảo vệ từng mảnh rừng vì mầu xanh và sự sống còn của hạ du.

Gian nan và nguy hiểm 

Những chặng đường không mỏi.
Những chặng đường không mỏi

Từ thị trấn La Hai, huyện miền núi Ðồng Xuân, chúng tôi vượt hơn 30 km đường đèo dốc, đất đá, bụi mù mịt mới đến được Trạm quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) Phú Tiến ở xã Phú Mỡ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ðồng Xuân. Trạm quản lý bảo vệ tám tiểu khu với diện tích gần 6.700 ha, trong đó 5.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Ðưa chúng tôi vượt qua suối Cây Vừng vào khu rừng trước đây bạt ngàn mầu xanh của keo và dầu, cách trạm bốn cây số, chỉ tay về những đám sắn và đậu đỏ vừa mới được người dân trồng, tỉa trên đất rừng, Trưởng trạm Ðoàn Xuân Minh xót xa: Mấy năm gần đây, người dân thiếu đất canh tác nên càng lấn rừng, hạ gục hàng chục ha toàn cây có đường kính từ 20 đến 30 cm. Anh em cố giữ nhưng “lực bất tòng tâm”, đành ngậm ngùi khi rừng bị triệt hạ. Sáu tháng đầu năm đã xảy ra gần 120 vụ phá, xâm lấn rừng trồng hơn 10 năm tuổi và đất lâm nghiệp, gây thiệt hại gần 40 ha rừng và 2.000 cây dầu, keo bị triệt hạ…

Trở về trạm, chung bữa cơm trưa đạm bạc với anh em, chúng tôi càng cảm thông, chia sẻ những khó khăn họ hằng ngày phải đối mặt. Ngoài đồng lương ít ỏi, mỗi tháng Trưởng trạm được hỗ trợ thêm 280.000 đồng, còn nhân viên phụ trách chỉ 200.000 đồng. Mỗi ngày mỗi người phải vượt gần 10 km đường rừng hiểm trở kiểm tra thực địa, song phương tiện hỗ trợ chỉ là cây gậy bằng gỗ tự chế sơn hai mầu xanh, đỏ để “uy hiếp” lâm tặc. Anh Huỳnh Thanh Huy, quê ở Hòa Thành (Ðông Hòa), người có thâm niên 16 năm công tác tại Trạm ngậm ngùi: Vì không được trang bị công cụ hỗ trợ, chức năng kiểm soát như kiểm lâm nên anh em gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi thi hành nhiệm vụ, thậm chí thường xuyên bị lâm tặc khống chế, đe dọa. Hồi tháng 6-2011, trong lúc làm nhiệm vụ, anh Nguyễn Văn Kha, cán bộ QLBVR phòng hộ bị tên La Mo Mép chuyên mua bán cây cảnh dùng dao tiến công, may mà tránh được nên thoát chết. Trước đó, khi đi kiểm tra, thiết kế khai thác rừng Hà Ðan, anh Nguyễn Mì bị vướng vào bẫy mang cung của đồng bào dân tộc. Anh em đã kịp thời sơ cứu, khiêng cáng anh Mì đi suốt hai ngày đêm, vượt hơn 20 km đồi núi trong mưa tầm tã mới về được Trạm Chín Bếp ở xã Phú Mỡ, nhưng do mất máu quá nhiều, lại bị nhiễm độc nên không qua khỏi.

Một biên chế “ôm” hơn 1.400 ha rừng 

Phú Yên có các Ban QLRPH Ðồng Xuân, sông Bàn Thạch, Sông Cầu, Sơn Hòa, Sông Hinh và Nam Sông Hinh, quản lý gần 110.000 ha, chiếm 21,6% diện tích toàn tỉnh. Huyện miền núi Ðồng Xuân là địa bàn có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất với 24.000 ha, trong đó hơn 400 ha rừng trồng, chủ yếu tập trung ở Phú Mỡ. Ông Nguyễn Lộc, Trưởng Ban QLRPH Ðồng Xuân cho biết: Ðơn vị có 30 biên chế, trong đó phân bổ cho các Trạm QLBVR Phú Ðồng, Chín Bếp và Phú Tiến 17 người trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 24.000 ha rừng. Hiện, đơn vị đang bàn giao 2.000 ha rừng cho UBND xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 quản lý. Tuy nhiên, nghe thông tin này, nhiều người dân “tranh thủ” vào rừng chặt phá khiến công tác bảo vệ rừng càng gian nan. Ðau xót là khi giao trả 407 ha cho UBND xã Xuân Quang 1, thực tế rừng chỉ còn 140 ha, mà thủ phạm phá rừng chủ yếu là dân bản địa.

Nạn lấn chiếm, phá rừng trồng không hạ nhiệt mà còn càng nóng bỏng. Diện tích rừng trồng thuộc dự án 327, Lâm sinh và 661 bị người dân thường xuyên chặt phá chiếm đất để canh tác, tập trung chủ yếu ở các khu vực gần khu dân cư Suối Cối, Kỳ Lộ, Phú Tâm (xã Xuân Quang 1) và Phú Tiến, Phú Giang, Phú Ðồng (xã Phú Mỡ)… Lợi dụng đêm tối, bọn lâm tặc vào rừng chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép, đe dọa, chống đối cán bộ QLRPH nên việc giáo dục, răn đe người dân thiếu ý thức phá rừng làm rẫy trái phép gần như không mang lại tác dụng. Ông Lộc than thở, từ đầu năm đến nay, 80 ha đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm trái phép, chủ yếu là rừng trồng. Các vụ vi phạm bị phát hiện được chuyển kịp thời cho UBND các xã, nhưng hầu hết chậm giải quyết dẫn đến tồn đọng, hồ sơ chất đống. Năm 2010, Ban QLRPH Ðồng Xuân từng lập hồ sơ đề nghị Hạt Kiểm lâm cùng cấp xử lý 31 trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nhưng cơ quan này không thể xử lý vì theo ba tiêu chí xác định rừng quy định tại Ðiều 3 của Thông tư 34/2009/TT-BNN&PTNT, không có lâm sản tạm giữ, chỉ có gốc cây đã chặt còn lại ở hiện trường nên chưa đủ cơ sở để xử lý hành vi phá rừng trái pháp luật.

Mặt khác, quy định rừng trồng có chiều cao trung bình hơn 1,5 m đối với loài cây sinh trưởng chậm như dầu rái, xà cừ, hơn 3 m đối với các loài cây sinh trưởng nhanh như keo lá tràm, với mật độ từ 1.000 cây/ha trở lên được coi là rừng. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, việc áp dụng tiêu chí xác định rừng để xử lý vi phạm như trên cũng chưa thuyết phục và thiếu căn cứ. Diện tích trồng rừng từ năm 1989 – 1998 và dự án 327, Lâm sinh… chủ yếu là trồng keo lá tràm và hỗn loài theo băng hiện không bảo đảm mật độ coi là rừng do nạn xâm lấn và cây trồng bị chết vì nắng hạn, thực bì chèn ép mạnh, yếu kém và hạn chế về mặt kỹ thuật… nên tỷ lệ cây sống có mật độ dưới 1.000 cây/ha, có nơi dưới 500 cây/ha. Lợi dụng quy định trên, người dân vào rừng trồng, xâm chiếm chặt phá rừng để làm rẫy. Mặc dù Ban QLRPH Ðồng Xuân đã lập rất nhiều hồ sơ vụ việc gửi cơ quan Kiểm lâm sở tại, đồng thời liên tục “kêu” tới các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

* Trưởng trạm Ðoàn Xuân Minh xót xa: Mấy năm gần đây, người dân thiếu đất canh tác nên càng lấn rừng, hạ gục hàng chục ha toàn cây có đường kính từ 20 đến 30 cm. Anh em cố giữ nhưng “lực bất tòng tâm”, đành ngậm ngùi khi rừng bị triệt hạ. Sáu tháng đầu năm đã xảy ra gần 120 vụ phá, xâm lấn rừng trồng hơn 10 năm tuổi và đất lâm nghiệp, gây thiệt hại gần 40 ha rừng và 2.000 cây dầu, keo bị triệt hạ…* Ông Lộc than thở, từ đầu năm đến nay, 80 ha đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm trái phép, chủ yếu là rừng trồng. Các vụ vi phạm bị phát hiện được chuyển kịp thời cho UBND các xã, nhưng hầu hết chậm giải quyết dẫn đến tồn đọng, hồ sơ chất đống.* Theo Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên, diện tích rừng phòng hộ hiện có 67.684 ha, chiếm gần 50% diện tích đất có rừng toàn tỉnh. So với năm 2010, diện tích đất có rừng tăng 411 ha, nhưng rừng tự nhiên giảm hơn 240/52.479 ha. Hiện nay, mỗi cán bộ Ban QLRPH Ðồng Xuân đang “ôm” hơn 1.400 ha rừng (theo quy định của Bộ NN và PTNT là 1.000 ha) nằm trên núi cao, hiểm trở, đi lại khó khăn và nguy hiểm.