Lợi ích từ Cẩm nang xanh

ThienNhien.Net – Không chỉ là mẹo để tiết kiệm 626.000 đồng/tháng, cuốn Cẩm nang của một sinh viên năm thứ 3 có rất nhiều điều để các cơ quan chức năng lưu tâm.

Cuốn Cẩm nang xanh cho bà nội trợ của Đặng Huỳnh Mai Anh, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2 TPHCM) được lan truyền khá nhiều trên các trang mạng dành cho phụ nữ cũng như các diễn đàn môi trường.

(Ảnh minh họa: VnExpress.net)

Tiết kiệm cũng là bảo vệ môi trường

“Trái đất đang nóng lên từng ngày. Những cánh đồng lúa rồi sẽ ngập trong biển nước và chẳng còn đủ gạo để mẹ nấu cho chúng con những bữa cơm ngon lành. Để bảo vệ môi trường cũng chẳng phải điều gì quá lớn lao, xa vời mà chính là tiết kiệm từng thứ nhỏ trong công việc hằng ngày của mẹ”. Lời mở đầu cuốn cẩm nang đơn giản nhưng đủ để các bà nội trợ phải quan tâm.

Có thể họ chưa hiểu hết về biến đổi khí hậu nhưng ảnh hưởng đến nồi cơm của gia đình mình chắc chắn họ sẽ lo lắng. Giải pháp thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường đối với các bà nội trợ chính là tái chế, tái sử dụng và sử dụng một cách tiết kiệm. “Đặt tủ lạnh cách tường 10 cm, nên để đầy 70% ngăn mát, 80% ngăn lạnh, quá đầy hoặc quá ít đồ sẽ khiến hiệu suất tủ lạnh giảm, đặt nhiệt độ ngăn mát 70C – 80C, ngăn lạnh – 180C hoặc mức số 3 là phù hợp. Như vậy, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 40.500 đồng tiền điện”. Hay “Hạn chế số lần tắt/bật bếp gas vì lượng gas mỗi lần khởi động bếp rất nhiều. Ngoài ra, luộc sơ các món lâu chín trước khi chiên để tiết kiệm gas và thời gian nấu. Cách làm này sẽ giúp tiết kiệm 50.000 đồng/tháng tiền gas. Bí quyết: lửa xanh (vừa) đun nấu hiệu quả hơn lửa vàng (lớn)”…

Động lực từ lợi ích

Cuốn cẩm nang chỉ có 14 trang, tập hợp mẹo vặt cho những công việc phổ biến của bà nội trợ dễ dàng tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc mẹo dân gian. Tuy nhiên, “kỳ công” của Mai Anh và cũng là thành công cho cuốn cẩm nang chính là tính toán để đưa ra các khoản tiền tiết kiệm. “Nếu nói tắt bớt một bóng đèn để trái đất bớt nóng, nhiều người sẽ thấy chẳng ăn nhập gì đến mình.

Nhưng chỉ cho họ thấy tháng đó, họ sẽ giảm được bao nhiêu tiền điện, tôi nghĩ họ sẽ làm. Bảo vệ môi trường là một khái niệm vĩ mô và chung chung, hãy chỉ cho mọi người thấy họ cần làm gì và làm như thế họ sẽ có những lợi ích cụ thể nào và mới khiến họ có động lực để thực hiện”. Đó là thông điệp mà Mai Anh muốn gửi đến các cơ quan quản lý.

Tạo thói quen tiêu dùng xanh

Để thực hiện cuốn cẩm nang, Mai Anh và một nhóm bạn đã tiến hành khảo sát một số bà nội trợ các quận nội thành. Theo Mai Anh, các bà nội trợ hiện nay rất nhạy, bắt kịp xu thế và thông tin chứ không thụ động như ngày xưa nhưng họ không mấy quan tâm đến vấn đề môi trường.

Ngược lại, điều họ quan tâm chính là việc chi tiêu trong gia đình gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Kết quả đó đã khiến Mai Anh nghĩ đến việc “định hình” cho những lợi ích của việc tái sử dụng, tái chế bằng những con số cụ thể.

“Con số 626.000 đồng/tháng có thể không lớn nhưng với một số gia đình có thể giúp họ làm được nhiều việc hữu ích. Quan trọng nhất là giúp các bà nội trợ và có thể là các thành viên khác của gia đình tạo được thói quen sử dụng tiết kiệm, tiêu dùng xanh. Để rồi chính họ sẽ nghĩ ra những cách để tiết kiệm được những số tiền lớn hơn” – Mai Anh chia sẻ.

Hiện nay, với sự tài trợ của Mạng lưới thế hệ xanh Việt Nam (tổ chức phi chính phủ), cuốn cẩm nang được giới thiệu và phát miễn phí tại một số điểm dân cư, siêu thị…

Với dự án Cẩm nang xanh cho bà nội trợ, Đặng Huỳnh Mai Anh đã trở thành 1 trong 3 nhà lãnh đạo môi trường Bayer (cùng với 2 sinh viên đến từ Costa Rica và Kenya) do Tập đoàn Bayer và Ban Môi trường Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Đức giữa tháng 11 vừa qua.