KCN Hoàng Mai, Nghệ An: Chờ đợi trong vô vọng!

ThienNhien.Net – Trong khi KCN bị bỏ hoang và ngày một xuống cấp, vướng mắc trong Ban quản lý KCN Hoàng Mai cũng chưa được giải quyết dứt điểm khiến hàng trăm ha đất trở thành nơi chăn thả trâu bò, hàng nghìn người dân thị trấn Hoàng Mai và xã Quỳnh Lộc vẫn hàng ngày ngóng trông sự hình thành của KCN, để mong con em họ không phải tha hương vào Nam ra Bắc tìm kiếm công việc và không còn cảnh gia đình ly tán bốn phương.

Sau khi nhường đất nông nghiệp cho KCN Hoàng Mai, người dân xóm 8, xã Quỳnh Lộc giờ chỉ còn biết vào rừng nhặt cành cây làm chổi bán

Nỗi buồn chồng Nam vợ Bắc

Để tìm hiểu về cuộc sống của bà con quanh KCN Hoàng Mai, chúng tôi đã dành nhiều thời gian trò chuyện cùng những nông dân nghèo ở đây.

Có mặt tại gia đình cụ Lê Thị T., 70 tuổi, ở xóm 8, xã Quỳnh Lộc, cụ T. buồn bã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về gia đình. Cụ cho biết: “KCN bị bỏ hoang, tôi xót xa lắm nhưng cũng chẳng làm chi được cả. Như tôi lớn tuổi thì không nói, tuổi trẻ về sau lấy đâu ra đất, ngay cả con cháu tôi nhiều đứa không có đất nên phải đi làm ăn xa để lại vợ con ở nhà. Gia đình quanh năm thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình”.

Ánh mắt thơ dại của trẻ em tại xóm 8, xã Quỳnh Lộc

Được biết, các xóm 8, 9A, 9B và xóm 10 của xã Quỳnh Lộc là nơi nhường đất cho KCN Hoàng Mai nhiều nhất, có những hộ nhường 100% diện tích đất nông nghiệp. Nhiều người dân xã Quỳnh Lộc ngao ngán: “Nhiều vùng trong xóm có đất đền bù, những nơi không có đất lấy gì mà ăn”. Chính vì thế bà con hiện nay chủ yếu đi buôn bán và vào rừng tìm cành cây về làm chổi bán kiếm bữa cơm qua ngày.

Cụ T. cho biết thêm: “Mỗi cái chổi bán 4.000- 6.000 đồng, đi bán vất vả lắm, đi cả buổi mới về đến nhà, không đi không có việc làm là không có gì ăn. Thanh niên và đàn ông đi làm ăn xa hết, hiện cả làng không còn ai, họ đi cả năm mới về vì đầu năm người ta cho tiền đi, cuối năm họ cho tiền về, họ cũng chẳng cho ứng. Tiền bạc lo cho cuộc sống toàn ăn trước trả sau. Gia đình tôi có 7 người đều sống nhờ bán chổi cả đó”.

Ông Trần Văn Dũng, Chánh Văn Phòng UBND xã Quỳnh Lộc trao đổi với PV

Chị Nguyễn Thị L., xóm 8, xã Quỳnh Lộc kể rằng: “Nhà tôi mất gần 2 sào cho KCN, rau ăn thì trồng trong vườn, đất thì không canh tác được, chồng đi làm ăn trong Nam cả năm mới về. Cách đây 3 năm, KCN người ta đền bù đất, mỗi sào họ đền bù khoảng 30 triệu, hiện tại ruộng canh tác được rất ít. Giờ chỉ biết ở nhà làm lặt vặt, họ nói là sau khi KCN phát triển họ cho ai mất đất được vô đi làm nhà máy, đến nay nhà máy không thấy xây, dân không có việc, tiền đền bù người dân ăn dần cũng hết, mua bò rồi lại bán bò lấy tiền ăn”.

“Sẽ đề nghị trả đất cho dân…”

Đem những câu chuyện của bà con xã Quỳnh Lộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng, Chánh văn phòng UBND xã Quỳnh Lộc, ông ngậm ngùi cho hay: “dự án KCN Hoàng Mai lấy cách đây 5 năm, đến nay dự án vẫn bỏ hoang. Lý do là sau khi vào thi công không biết làm sao họ chuyển vào KCN Đông Hồi làm. Trước đây bồi thường, họ có giải quyết hỗ trợ và đền bù cho bà con 3 loại giá, có tiền mặt, một số hộ gửi tiền ngân hàng, một số kinh doanh, xã đề nghị lên huyện khi các dự án về KCN cần tạo công ăn việc làm cho dân địa phương, đặc biệt là thanh niên. Thêm nữa, hiện nay, đất của KCN Hoàng Mai bỏ hoang cấm không cho bà con làm, với lại trước đây người ta đổ đất sỏi cứng nên không thể canh tác được, phải hướng bà con đến việc phát triển kinh tế theo hướng khác. UBND xã đang nhân rộng thí điểm trồng ớt cho bà con phối hợp với một công ty ở Thanh Hóa”.

Một góc xóm 9, xã Quỳnh Lộc

“Đến thời điểm này, họ (Ban quản lý KCN Hoàng Mai) chưa nói khi nào xây dựng KCN. Nếu sau này không xây dựng, chúng tôi đề nghị nhà nước trả đất cho dân canh tác làm ăn. Chứ bây giờ xã có 2.161 hộ, 9.187 khẩu, có 318 hộ nghèo. KCN để đất lãng phí như thế trong khi đó dân nghèo lại không có đất canh tác, cũng chẳng có việc làm”- ông Dũng thẳng thắn nói lên quan điểm của mình.

Còn ông Nguyễn Đức T., khối 10, thị trấn Hoàng Mai bức xúc: “Trước đây, thời kỳ lấy đất dân kiện về tiền nong, họ không chịu trả tiền, dân tập trung ra nấu ăn ở nhà điều hành, 3 ngày sau họ mới trả. Họ hứa đào tạo nghề cho bà con nhưng mãi đến giờ vẫn chưa thấy, giá đất đền bù người dân cũng không rõ, ruộng lấy hết nhưng giờ lại bỏ hoang. Nhà tôi mất hơn 3 sào đất cho KCN, mấy đứa cháu lớn đi làm công nhân cho các KCN tận trong Nam, trong khi đó ngay gần nhà KCN lại bỏ hoang. Dân chúng tôi thấy đất bỏ hoang quá phí, giờ người dân tự làm được vạt nào thì làm ruộng, nhiều diện tích chưa lấp đất, còn chỗ đất hoang hóa vừa rồi tôi và mấy người bạn đưa máy ra cày rồi gieo vừng nhưng không được, định làm ruộng nhưng không có nước. Ruộng không có, nghề phụ không, đàn bà đi lượm bán sắt vụn, mua bán cá mắm…để có tiền lo trang trải cuộc sống. Khốn khổ vì KCN Hoàng Mai là vậy! Cấp có thẩm quyền ở Nghệ An có thấu hiểu nỗi khổ của nông dân bị mất đất sản xuất để làm KCN rồi bỏ hoang, lâm vào cảnh từ nghèo trở nên túng quẫn?”.

“Hiện tại, Ban quản lý vẫn hoạt động theo hình thức thủ tục hành chính, không có công nhân. Riêng Quỳnh Lộc có gần 800 hộ nhường đất cho KCN, chủ yếu là ở xóm 8, 9, 10. Nhiều người nghĩ KCN hoạt động họ mua cái xe chạy taxi để chờ chở khách ra vào KCN, thế nhưng giờ KCN không hoạt động nên lỗ. Họ phải bán xe để lấy tiền trang trải cuộc sống, lo cho con em ăn học tử tế…”- một vị lãnh đạo xã Quỳnh Lộc cho hay.