Sông Kôn “cõng”… 14 thủy điện – Kỳ cuối

ThienNhien.Net – Tình trạng “nhà nhà làm thủy điện” đang diễn ra cấp tập, gây nhiều hệ lụy tại Bình Định. Thế nhưng, tiếng nói của địa phương luôn tỏ ra yếu ớt. Bởi theo một số vị chức sắc, mọi chuyện đều do “trên” quyết xuống…

Kỳ cuối: Có ai trả hết nợ rừng?

Núi rừng “tính sổ” thủy điện

Ngày 15.11.2013, một trận lũ kinh hoàng đã tràn thẳng vào Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak tại địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Thảm họa bất ngờ xảy ra sau một ngày mưa lớn dầm dề, nước lũ từ các dãy núi đổ dồn tới tấp về khu vực nhà máy.

Lũ quét vùi lấp Thủy điện An Khê - Kanak tháng 11.2013 (Ảnh: Đ.T/Dân Việt)
Lũ quét vùi lấp Thủy điện An Khê – Kanak tháng 11.2013 (Ảnh: Đ.T/Dân Việt)

Đến trưa cùng ngày, nước lũ đã xé toang suối Đá, phá tung bờ đất ngăn cách giữa suối và kênh xả nhà máy. Hệ thống hãm lực nước được đúc bằng bê tông cũng bị lũ phá vỡ trên 40m. Toàn bộ đất cát, sỏi đá theo lũ đổ tràn về nhà máy và trạm phân phối điện. Hàng loạt công trình phụ trợ quanh nhà máy cũng bị bùn cát phong tỏa, có nơi đất vùi cao tới 2 – 3m.

Theo ông Võ Lũy – Giám đốc Thủy điện An Khê – Kanak, trong trận lũ trên, đã có ít nhất 30.000m3 đất đá vùi lấp nhà máy và các hạng mục công trình, thiết bị. Nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động dài ngày, huy động hàng trăm nhân công cùng phương tiện để khắc phục sự cố.

Ông Lũy cũng thừa nhận, do nhà máy bất ngờ bị vùi lấp, không đưa được nước theo quy trình bình thường từ hồ An Khê (sông Ba) ra sông Kôn, nên phải xả lũ xuống sông Ba, gây trận ngập lụt lịch sử tại thị xã An Khê (Gia Lai). Lưu lượng xả lũ của nhà máy này trong ngày “lịch sử” là 2.000 – 2.400m3/giây.

Thế là chính quyền và người dân “dưới họng” An Khê – Kanak đã phải một phen náo loạn, trở tay không kịp trước trận lũ “nhân tạo” kinh thiên chưa từng thấy. Thế rồi hàng loạt cuộc kiểm tra, kiểm điểm diễn ra. Thế nhưng mọi việc lại “đâu vào đấy”, tiến độ khắc phục đền bù cho dân hết sức chậm chạp, sơ sài. Một mùa mưa lũ nữa lại sắp đến…

Vác “eo” thì mãi nghèo

Thực tế, bao nhiêu tiền của đã đổ vào xây thủy điện “kỷ lục” trên địa bàn, thế nhưng Vĩnh Thạnh (Bình Định) vẫn là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bao nhiêu viễn cảnh hứa hẹn “tốt hơn, đẹp hơn” đều lần lượt trôi theo vòng xoáy thủy điện. Môi trường sinh thái, điều kiện làm ăn của đồng bào các dân tộc miền núi Vĩnh Thạnh cứ thế “lùng bùng” trong hàng loạt bức xúc, kiến nghị, yêu cầu…

Sau nhiều lần nhận kiến nghị, ngày 7.8.2015, ông Nghiêm Xuân Bình – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn (chủ đầu tư Thủy điện Vĩnh Sơn 5) đã ký văn bản hồi đáp ý kiến cử tri Vĩnh Thạnh. Theo đó, Vĩnh Sơn 5 tiếp tục hứa hẹn trước mùa mưa lũ 2015 sẽ gia cố tình trạng sạt lở bờ kè tại làng K6, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh). Về kiến nghị giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt do chặn dòng làm thủy điện, văn bản trả lời… lòng vòng: “Thực tế dòng sông về mùa khô vẫn có một lượng nước lưu thông không lớn khoảng 5m3/s chảy từ suối làng Dak Tral, cống xả và các khe suối khác. Tuy nhiên để đảm bảo, bổ sung nguồn nước phục vụ cho nhân dân, mỗi tuần công ty có kế hoạch xả qua van tràn khoảng 1 – 2 lần lưu lượng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của hồ. Còn về nước sản xuất qua thống kê từ sau đập Vĩnh Sơn 5 đến nhà máy do địa hình bờ sông, vách núi dốc chủ yếu là cây cối mọc tự nhiên, không có đất sản xuất nông nghiệp, không có các công trình khai thác nước hoặc các mục đích sử dụng nước khác”(?!).

Cũng theo văn bản trên, một số hệ thống cấp nước sinh hoạt thiếu vệ sinh là do “một số yếu tố khách quan nguồn nước chưa được ổn định”(?). Sau khi cải tạo lại, toàn bộ hệ thống cấp nước cho các làng ở xã Vĩnh Kim đã “hoạt động liên tục và ổn định”. Thực tế đến lúc này, người dân làng Dak Tral và nhiều làng khác ở Vĩnh Kim hết sức bức xúc khi vẫn phải dùng nước bẩn trong sinh hoạt hàng ngày. Thế mà chủ đầu tư thủy điện vẫn giữ kiểu hồi âm “trớt quớt”, vô cảm!

Theo ông Trần Quốc Lại – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, việc xây dựng thủy điện là “lợi bất cập hại”, ảnh hưởng nặng nề đến tài nguyên rừng và cuộc sống của người dân địa phương. Các chủ trương xây thủy điện đều “từ trên ấn xuống”, địa phương cứ thế “chịu trận”. Ông Lại dẫn chứng: “Thủy điện Vĩnh Sơn 5, sau khi xây dựng cũng bộc lộ những cái không lường được. Cụ thể, thủy điện cắt đường đi và nguồn nước sinh hoạt, gây ra nguy cơ xói lở đất sản xuất và khu dân cư. Một số cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư nói hoàn trả lại nhưng chưa thấy đâu. Tại nhà máy Vĩnh Sơn 5, con đường giao thông bị bẻ cong, người dân phải đi dưới trạm biến áp rất nguy hiểm. Mấy năm nay, chúng tôi liên tục đề nghị Vĩnh Sơn 5 khắc phục nhưng họ rất dây dưa trong khâu xử lý”.

Vẫn còn đó câu hỏi nguy cơ về mùa mưa các thủy điện xả lũ đồng loạt, dẫn đến họa “lũ chồng lũ” từ các “bậc thang”. Câu hỏi này chắc chắn không dễ trả lời!!!

Về công văn “hứa hẹn” của Thủy điện Vĩnh Sơn 5, ông Nguyễn Hữu Xuân – Trưởng Phòng NNPTNT Vĩnh Thạnh nói: “Thủy điện tác hại đến dân không biết bao nhiêu mà kể! Người dân chỉ kiến nghị chủ đầu tư xây dựng khắc phục những công trình dân sinh thiết yếu nhất. Vậy mà tiến độ “chi tiền” giải quyết hết sức chậm chạp. Để coi lần này, Thủy điện Vĩnh Sơn 5 hứa vậy rồi làm tới đâu! Người dân bức xúc lắm rồi…”.