Chỉ số mới đo sức khỏe đại dương

Thiennhien.net – Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia về Phân tích và Tổng hợp sinh thái (Mỹ) và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế mới công bố thang đo mới về tình trạng “sức khỏe” của đại dương, được gọi là Chỉ số Sức khỏe Đại dương (Ocean Health Index – OHI).

OHI được xây dựng dựa trên 10 tiêu chí về sinh thái, kinh tế, xã hội và chính trị bao gồm khả năng cung cấp thực phẩm, cơ hội đánh bắt cá cho ngư dân địa phương, khả năng cung cấp các sản phẩm tự nhiên, khả năng lưu trữ các-bon, khả năng phòng hộ ven biển, khả năng giúp cải thiện đời sống và kinh tế ngư dân ven biển, giá trị dịch vụ du lịch và giải trí, cảnh quan, nước sạch và đa dạng sinh học.

10 tiêu chí này được đánh giá theo thang điểm 100. Mức độ quan trọng của các tiêu chí được đánh giá tùy theo từng khu vực.

OHI được coi là công cụ đầu tiên có khả năng đánh giá toàn diện tình trạng của biển và đại dương, được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của nhiều chỉ số sẵn có, kết hợp với các thông tin từ các hiệp ước, điều ước quốc tế như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về Buôn bán Động Thực vật hoang dã nguy cấp, Sách đỏ của IUCN.

Chỉ số OHI cũng đánh giá sức khỏe đại dương thông qua ba tiêu chí gồm: Xu hướng, Áp lực và Khả năng thích nghi. Trong đó, xu hướng là mức độ thay đổi hiện tại so với dữ liệu 5 năm gần nhất; Áp lực là toàn bộ các áp lực sinh thái và xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đánh giá một chỉ tiêu; Khả năng thích nghi là toàn bộ các yếu tố sinh thái và những thay đổi xã hội (chính sách, pháp luật…) ảnh hướng tích cực tới quá trình đánh giá các chỉ tiêu.

Ba thông số này không chỉ giúp dự đoán tình trạng biển trong tương lai mà còn gợi ý các biện pháp điều chỉnh để quản lý cho phù hợp.

Bãi biển ở đảo Peucang (Ảnh: Rhett A. Butler/ Mongabay)

Đại dương, tài sản quý giá của trái đất, chứa 97% lượng nước trên thế giới, tạo ra hơn một nửa lượng ô-xy cần thiết cho sự sống, giúp điều hòa khí hậu toàn cầu và đóng góp 3000 tỷ USD/năm cho nền kinh tế thế giới đang bị khai thác quá mức và không kiểm soát.

Trong khi các thang đo truyền thống khác chủ yếu tập trung vào các tác động tiêu cực của hoạt động con người lên môi trường, OHI thực sự khác biệt khi nhận ra lợi ích của con người bắt nguồn từ đại dương và cách con người có thể quản lý bền vững để gìn giữ những lợi ích của đại dương cho thế hệ mai sau.

OHI cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một công cụ hiệu quả để xác định những khu vực cần ưu tiên cải thiện, hỗ trợ phát triển để đạt được mục tiêu, xác định những đánh đổi có thể cũng như đo lường hiệu quả của các kế hoạch và quá trình thực hiện các mục tiêu trong tương quan với tình trạng sức khỏe của đại dương toàn cầu.

Hiện tại, chỉ số OHI của các quốc gia dao động từ 36 đến 86. Theo đánh giá, các quốc gia phát triển có xu hướng xếp hạng cao hơn vì có nhiều nguồn lực hơn để bảo tồn biển và nhập khẩu hải sản. Trái lại, các quốc gia đang phát triển có nguồn lực ít hơn lại thường xuyên phải chứng kiến nguồn tài nguyên biển bị khai thác để xuất khẩu sang các quốc gia phát triển.

Đánh giá về thang đo này, ông Wrigley, trưởng nhóm nghiên cứu, thành viên ban lãnh đạo Tổ chức Bảo tồn Quốc tế nói: “Mặc dù chỉ số OHI chỉ dựa trên khoa học thuần túy, nhưng chúng tôi hy vọng rằng thang đo này có thể tác động đến những người có khả năng thay đổi chính sách biển để họ có những lựa chọn đúng đắn hơn cho tương lai của chúng ta.”