Tài trợ nghiên cứu cơ bản

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa hoàn thành bản dự thảo Quy định về tài trợ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học. Nếu dự thảo được hoàn thiện và thực thi thì lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học có thể sống và làm việc bằng khoa học, có đủ điều kiện tối thiểu để nghiên cứu.

25.000 USD cho một đề tài nghiên cứu thực nghiệm

Khái niệm Nghiên cứu cơ bản (NCCB) được cụ thể hóa trong Dự thảo này quy định là những nghiên cứu nhằm phát hiện bản chất và quy luật của sự vật hoặc hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, con người. Đánh giá đề tài NCCB là việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá quy định để xác định chất lượng khoa học của thuyết minh đề cương nghiên cứu, kết quả trung gian, kết quả cuối cùng và các điều kiện liên quan khác của đề tài.

Nội dung đáng chú ý của Dự thảo này quy định đề tài nghiên cứu lý thuyết được thực hiện trong thời gian không quá 2 năm với tổng kinh phí tối đa 20.000 USD. Đối với các đề tài NCCB lý thuyết mang tính thăm dò, khám phá lần đầu, mức kinh phí tối đa là 10.000 USD và sản phẩm của đề tài phải có ít nhất một bài báo công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia có uy tín. Đối với đề tài nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện trong thời gian 2 năm với tổng kinh phí tối đa tương đương 25.000 USD.

Tuy nhiên, kinh phí này chưa bao gồm chi phí mua nguyên vật liệu và thuê máy móc, thiết bị nghiên cứu. Sản phẩm nghiên cứu của đề tài phải có ít nhất 2 bài báo được công bố hoặc 2 bằng phát minh sáng chế, được chuyên gia đánh giá xác định chất lượng nội dung khoa học. Đối với các đề tài nghiên cứu thực nghiệm mang tính thăm dò, khám phá lần đầu, mức kinh phí tối đa là 12.000 USD. Trong trường hợp đặc biệt, đề tài có quy mô lớn, phức tạp, hội đồng khoa học xem xét đề xuất của chủ nhiệm đề tài và kiến nghị thời gian, tổng kinh phí thực hiện hợp lý…

Đề tài đã được tài trợ trước đó không đạt thì chủ nhiệm đề tài không được tham gia đề tài mới

Điều kiện đối với chủ nhiệm đề tài và cá nhân nghiên cứu theo như Dự thảo này quy định phải là người có chuyên môn phù hợp, đang nghiên cứu tại một tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Trong trường hợp chủ nhiệm đề tài không thuộc tổ chức KH&CN nào, phải được một tổ chức KH&CN chuyên ngành có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp bảo trợ và chấp nhận làm tổ chức chủ trì.

Chủ nhiệm đề tài bắt buộc phải có năng lực nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu của đề tài, có học vị tiến sĩ trở lên, và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín trong 5 năm gần nhất. Đối với nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) đăng ký chủ trì đề tài nghiên cứu cơ bản mang tính thăm dò, khám phá phải có học vị thạc sĩ trở lên, có ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia có uy tín trong 5 năm gần nhất. Dự thảo cũng quy định đối với một số chuyên ngành đặc thù, tùy thuộc vào tình hình thực tế, hội đồng khoa học đề xuất yêu cầu về công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành cho các trường hợp nêu trên để Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

Một điều kiện được đưa ra đối với các đề tài NCCB đã được Quỹ hoặc ngân sách nhà nước tài trợ trước đó mà không đạt hoặc bị đình chỉ hợp đồng nghiên cứu hoặc không đáp ứng các yêu cầu về công bố kết quả nghiên cứu tương ứng tại quy định này thì chủ nhiệm đề tài không được tham gia đề tài mới. Mỗi cá nhân được làm chủ nhiệm không quá 1 đề tài NCCB và tham gia không quá 1 đề tài khác do Quỹ tài trợ. Tuy nhiên, ở phần này, Dự thảo nên đề cập thêm phần quy định về thời hạn có hiệu lực đối với yêu cầu trên.

Với mục tiêu xây dựng môi trường nghiên cứu có tính liên tục cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu, quy định này có thể được coi là một cơ hội lớn cho nhà khoa học Việt Nam. Với quy định mới này nhà khoa học sẽ được giải phóng khỏi những thủ tục hành chính không còn phù hợp để có thể giành toàn tâm, toàn sức cho công tác nghiên cứu khoa học.