Rừng “tố” thủy điện vay mà không trả

ThienNhien.Net – Trong 6 năm trở lại đây, có tới gần 20.000 ha rừng bị “ngốn” bởi thủy điện nhưng chỉ 735 ha diện tích đã chuyển đổi được trồng bù.

Đây là con số đáng quan ngại mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa thống kê và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm dựng thủy điện và kết quả trồng rừng thay thế sau chuyển đổi từ năm 2006 đến 2012.

Rừng Tây Nguyên bị “ngốn” nhiều nhất

Theo báo cáo của Bộ, từ năm 2006 đến nay, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với tổng diện tích 19.792ha, trong đó rừng đặc dụng chiếm 3.060 ha; rừng phòng hộ 4.411 ha; rừng sản xuất 12.321 ha.

Nơi tập trung nhiều dự án thủy điện “lấn” rừng nhất là khu vực Tây Nguyên với 50 dự án, tổng diện tích rừng bị “ngốn” lên tới 8.162 ha, chiếm 41,2% diện tích rừng bị chuyển đổi trong cả nước. Tiếp sau là khu vực Bắc Trung Bộ với 23 dự án, thuộc 6 tỉnh, tổng diện tích rừng buộc phải “hy sinh” lên tới 4.532ha, chiếm 22,9%. Năm khu vực khác còn lại lần lượt là Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Đông Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Trong số 29 địa phương thì có 7 địa phương thực hiện chuyển đổi nhiều rừng nhất (trên 1.000 ha) bao gồm Đắk Nông, Lai Châu, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Nghệ An.

Điều đáng nói là dù lấy đi hàng chục ngàn ha rừng, song tính đến tháng 10 năm nay, mới chỉ có 8/29 địa phương thực hiện việc trồng bù rừng sau chuyển đổi mục đích sử dụng với tổng diện tích vô cùng khiêm tốn – 735 ha, tương đương 3,7% diện tích rừng đã chuyển đổi.

Trong số 8 địa phương thì chỉ duy nhất Lào Cai thực hiện trồng bù rừng bằng đúng số diện tích đã chuyển đổi (203/203 ha), các tỉnh còn lại như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bạc Liêu đều thực hiện trồng bù rất ít trong tổng số tổng diện tích đã lấy đi.

Không chỉ bất cập trong việc thực hiện trồng bù rừng, nhiều công trình thủy điện còn không quy hoạch đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của địa phương. Mặt khác, hầu hết các dự án đều được xây dựng ở vùng núi cao, khu vực đầu nguồn có nhiều rừng tự nhiên nên việc chuyển đổi rừng làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở các khu vực. Thêm nữa, đa phần người dân và cộng đồng ở nơi bị ngập phải di dời bị chịu tác động trực tiếp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác cắm mốc giới, xác định hành lang bảo vệ lòng hồ, bảo vệ đập cũng thực hiện chậm khiến vùng lòng hồ, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, rừng bị phá không kiểm soát được.

Đặc biệt, theo nhận định của Bộ, tổng diện tích rừng bị mất trên thực tế nhằm phục vụ việc xây dựng 160 thủy điện có thể còn lớn con số 19.792 ha trong báo cáo bởi khi xây dựng dự án sẽ kèm theo nhu cầu về đất tái định cư, đất sản xuất của người dân bù vào diện tích đã bị ngập. Số liệu này, các địa phương hiện chưa thống kê được, do đó Bộ đề nghị cần phải có những điều tra, đánh giá để đưa ra các giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.

(Ảnh minh họa: dalat.gov.vn)

Muốn xây thủy điện phải trồng rừng thay thế

Trước những bất cập nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh tổ chức rà soát các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện từ khi Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực, yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại rừng theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần hạn chế ở mức thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang xây dựng thủy điện, chỉ thực hiện các dự án trong quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng được duyệt.

Đối với chủ đầu tư được phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, khi phê duyệt dự án đầu tư phải đồng thời phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt thì kiên quyết không được khởi công đầu tư.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ đất để các dự án trồng lại rừng, trường hợp địa phương không có đất thì yêu cầu dự án nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương, Bộ Nông nghiệp bố trí trồng rừng ở tỉnh khác.

Song song với những nội dung trên, Bộ đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trồng lại rừng sau chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện; xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư không trồng lại rừng.

Đưa thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lên bàn Quốc hội

Theo ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, sau khi trao đổi bằng văn bản với các đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng về những tác động tiêu cực có thể gây ra từ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, các đoàn đã thống nhất đề nghị đoàn Đồng Nai soạn văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết ngay vấn đề tại kỳ họp thứ tư.

Ngày 30/10, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã đặt vấn đề cơ sở pháp lý xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A tại phiên thảo luận của Quốc hội, và ngay hôm sau (31/10), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ký văn bản lần 2 đề nghị Thủ tướng quyết định không đầu tư hai dự án Đồng Nai 6, 6A.

Việc dừng triển khai hai dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi không chỉ là mong muốn của các địa phương mà còn là ý nguyện của nhiều nhóm/tổ chức bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, trong đó có Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên (tập hợp gồm nhiều trí thức trong và ngoài nước). Nhóm đã tiến hành thu thập chữ kí của đông đảo người dân nhằm kiến nghị dừng chủ trương xây dựng hai dự án. Tính đến ngày 25/10, đã có hơn 3.770 chữ ký của cộng đồng mạng tại trang http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a cùng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Trong thư ngỏ, Nhóm cho biết, việc xây dựng quá nhiều thủy điện trên các bậc thang dọc sông Đồng Nai đã phá hủy nhiều khu rừng nguyên sinh, cày xới nhiều mảng xanh, làm nhiễm bẩn các con suối, xóa sổ nhiều loài động vật quý hiếm và đang dần giết chết sông Đồng Nai; đã và đang gây bao cơn lũ nghiêm trọng cùng những hạn hán bất thường cho cả thượng và hạ lưu – thông tin từ Người Lao động ngày 25/10.