Thương mại đen từ nguồn carbon xanh

ThienNhien.Net – Khai thác và buôn lậu gỗ đang để lại những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, kinh tế và xã hội, đe dọa cuộc sống của những người nghèo yếu thế vốn vẫn sống dựa vào rừng. Điều đáng lo ngại là, tội phạm khai thác và buôn lậu gỗ ngày càng hoạt động tinh vi và có tổ chức hơn để đối phó với các nỗ lực thực thi pháp luật – Đó là những nhận định từ báo cáo mới được công bố của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL).

Những con số đáng lo ngại

Báo cáo mới mang tên Green carbon, black trade (Tạm dịch: Carbon xanh, thương mại đen) đã công bố những con số đáng lo ngại về nạn khai thác và buôn bán gỗ trái phép.

Theo đó, khai thác gỗ trái phép chiếm 50-90% lượng gỗ của các nước cung cấp gỗ nhiệt đới chủ chốt và 15-30% sản lượng gỗ toàn cầu.

Giá trị kinh tế của buôn lậu gỗ toàn cầu bao gồm cả quá trình chế biến ước tính khoảng 30 đến 100 tỷ USD trong số 327 tỷ USD giá trị chính thức của thương mại gỗ toàn cầu, tức là chiếm 10-30%.

Bên cạnh những thiệt hại về môi trường thì tổn thất về lợi nhuận và thuế từ khai thác gỗ lậu ước tính ít nhất 10 tỷ USD/ năm.

Buôn lậu gỗ cũng mang lại nguồn thu lớn cho các băng nhóm tội phạm với ước tính ít nhất 11 tỷ USD, gần sánh ngang với mức lợi nhuận từ buôn bán ma túy, khoảng 13 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo, hoạt động khai thác gỗ lậu thường tồn tại ở các khu vực hoặc có xung đột hoặc tham nhũng lan tràn, chủ yếu tập trung ở những cánh rừng nhiệt đới thuộc lưu vực Amazon, Trung Phi và Đông Nam Á.

Điều đáng nói là khai thác gỗ lậu còn tồn tại ở rất nhiều cánh rừng được chính thức bảo vệ, đặc biệt là tại các nước nhiệt đới.

 

Hiện nay chỉ có 8% diện tích rừng của thế giới được nhận chứng nhận quản lý bền vững, trong đó rừng của Nam Mỹ và Châu Âu chiếm tới 90% (Ảnh: ThienNhien.Net)Tội phạm công nghệ cao

Theo Báo cáo, trên thực tế hoạt động khai thác và buôn lậu gỗ không hề giảm mà chỉ chuyển sang hình thức tinh vi hơn, có tổ chức hơn, núp bóng trá hình dưới các hình thức hợp pháp để né tránh nỗ lực thực thi pháp luật.

Giới tội phạm ngày nay đã kết hợp các “mánh” cũ như đút lót, mua chuộc với những chiêu thức hiện đại sử dụng công nghệ cao. Để minh họa, hơn 30 cách thức “lậu”: từ khai thác gỗ, “rửa gỗ” đến buôn bán gỗ đã được báo cáo mô tả chi tiết.

Trong đó, các phương thức phổ biến nhất là làm giả giấy phép khai thác, làm giả chứng chỉ sinh thái, hối lộ để có được giấy phép khai thác, khai thác vượt số lượng cho phép, đột nhập vào trang web của chính phủ để lấy cắp giấy phép vận chuyển hoặc “rửa gỗ” khai thác lậu thông qua các dự án làm đường, trang trại chăn nuôi, sản xuất dầu cọ, trồng rừng hoặc trà trộn gỗ lậu vào gỗ hợp pháp trong quá trình vận chuyển và chế biến.

Báo cáo cũng cho biết, rất nhiều hoạt động “rửa gỗ” tồn tại được là nhờ nguồn vốn từ Mỹ, Châu Âu và Châu Á rót vào các công ty có dính líu tới hoạt động khai thác và buôn lậu gỗ thông qua các dự án trồng rừng với mục đích duy nhất là “rửa gỗ” bất hợp pháp, biến nó thành ngành thương mại mang lại lợi nhuận cao với nguồn thu gấp 5-10 lần buôn bán gỗ hợp pháp.

Phá rừng chiếm 17% lượng khí thải toàn cầu do con người tạo ra, nhiều gấp 1,5 lần khí thải từ tất cả các loại hình giao thông cộng lại (Ảnh: Eyes on the Forest)

Đấu tranh với “thương mại đen”

Khai thác và buôn bán gỗ lậu vẫn diễn biến phức tạp được Báo cáo nhận định chủ yếu là do thiếu sự hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật để đối phó với các nhóm tội phạm có bản chất hoạt động xuyên quốc  gia.

Điều này khiến cho nạn khai thác gỗ lậu hoành hành hết khu vực này sang khu vực khác, để lại cái giá phải trả cho môi trường, kinh tế của địa phương và thậm chí cả cuộc sống của cư dân bản địa.

Nhìn nhận về khiếm khuyết trong nỗ lực ngăn chặn gỗ lậu, Báo cáo cho rằng các nỗ lực hiện nay mới chỉ thúc đẩy và hỗ trợ buôn bán hợp pháp chứ chưa tập trung vào đấu tranh với tội phạm liên quan tới gỗ lậu.

Cụ thể, các chương trình như FLEGT(1), VPA(2), FSC(3), CITES(4) hay REDD+(5) mới chỉ là nhịp cầu để đưa các bên liên quan đến gần với nhau, thúc đẩy buôn bán hợp pháp và lâm nghiệp bền vững, chứ không được thiết kế để chống lại khai thác gỗ lậu, “rửa gỗ lậu”, buôn bán gỗ lậu. Trong khi đó, rõ ràng là lợi nhuận từ gỗ lậu lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ thương mại gỗ hợp pháp.

Hơn nữa, hoạt động thực thi pháp luật trên thực tế hiện nay thường gắn với trấn áp tội phạm tại hiện trường hơn là với các chiến dịch điều tra quy mô về hoạt động trốn thuế và rửa gỗ vốn rất quan trọng để đấu tranh với nhóm tội phạm khai thác gỗ lậu công nghệ cao.

Từ đó, Báo cáo khuyến cáo chuyển hướng các nỗ lực để chấm dứt thị trường đen vào việc tăng cường điều tra, tìm hiểu hoạt động của các nhóm tội phạm khai thác gỗ và mạng lưới của chúng, ưu tiên hoạt động điều tra gian lậu thuế, tham nhũng và “rửa gỗ”, đồng thời tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng và đẩy mạnh phối hợp với INTERPOL.

Báo cáo cũng khuyến cáo sử dụng hệ thống xếp loại của INTERPOL về các công ty khai thác và mua bán gỗ từ khu vực là điểm nóng gỗ lậu để các nhà đầu tư tránh xa.

Kết hợp với các công cụ kinh tế thông qua REDD+ và cơ hội thương mại qua CITES và FLEGT, các hoạt động trên có thể giúp giảm phá rừng và nhờ đó giảm được lượng khí thải carbon.

Ngoài ra, Liên minh mới được thành lập – ICCWC(6) cũng mang lại hy vọng mới thông qua cam kết về chia sẻ và phối hợp đấu tranh với tội phạm liên quan tới động thực vật hoang dã, bao gồm cả khai thác gỗ lậu, trong một nỗ lực quốc tế toàn diện.

Theo thống kê của Cục Kiểm Lâm, năm 2011 Việt Nam có hơn 29.500 vụ vi phạm lâm luật, giảm so với con số 33.800 của năm 2010 và 40.800 của năm 2009. Lượng gỗ bị tịch thu do vi phạm cũng giảm với 19.154m3 năm 2011, trong khi con số này của năm 2010 là 42.385m3 và 2009 là 51.953m3.

Bình luận về mối liên hệ giữa Báo cáo Green carbon, black trade và tình hình khai thác gỗ lậu tại Việt Nam, TS. Tô Xuân Phúc thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, hoạt động khai thác và buôn bán gỗ trái phép ở Việt Nam chủ yếu tồn tại ở quy mô nhỏ, chứ không có tính tổ chức cao, sử dụng các công nghệ hiện đại như Báo cáo nhận định. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác gỗ ở quy mô lớn, có tổ chức cũng gặp ở một vài địa phương, ví như việc khai thác gỗ có tổ chức trong thời gian vừa qua tại tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, mặc dù con số thống kê của Cục Kiểm lâm đưa ra cho thấy số vụ vi phạm lâm luật và lượng gỗ lậu bị tịch thu giảm, các con số thống kê chưa phản ánh hết được quy mô và các hoạt động liên quan đến gỗ lậu trên thực tế.

Trước tình trạng đáng báo động của rừng tự nhiên nước ta do nạn khai thác gỗ lậu diễn ra tràn lan ở một số địa phương, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ – phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu khả năng tạm “đóng cửa” rừng tự nhiên trên toàn quốc trong thời gian tới.

 


(1) FLEGT- Kế hoạch hành động thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản

(2) VPA – Hiệp định đối tác tự nguyện

(3) FSC – Hội đồng quản trị rừng quốc tế

(4) CITES – Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp

(5) REDD+ – Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon

(6) ICCWC – Liên minh Quốc tế đấu tranh với Tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã do Ban thư ký CITES làm chủ tịch với sự tham gia của INTERPOL, Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO)

Bạch Dương