Không biến Việt Nam thành “bãi rác” của thế giới

ThienNhien.Net –  Mỗi năm, Việt Nam chỉ xử lý được 4% trong hàng triệu tấn chất thải rắn trong nước, chưa kể đến ba triệu tấn phế liệu và nhiều chất gây ô nhiễm được nhập khẩu bằng đường chính ngạch. Hiện trạng này đang tạo ra nhiều áp lực và đe dọa đến sự phát triển bền vững của môi trường, cũng như sức khỏe của cộng đồng.

Thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) chiều qua (30/5), nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; bổ sung quy định về hàng rào kỹ thuật đối với phế liệu được phép nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để nhập chất thải vào Việt Nam; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước; quy định việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu, thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.

ĐB Nguyễn Minh Lâm: “Đề nghị bỏ qui định cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để tháo dỡ” (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
ĐB Nguyễn Minh Lâm: “Đề nghị bỏ qui định cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để tháo dỡ” (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Chấm dứt tình trạng rác thải công nghiệp “đội lốt” phế liệu

Tình trạng nhập khẩu phế liệu đang rất phổ biến dẫn đến các vấn đề phát sinh khó có thể giải quyết triệt để mà nguyên nhân là thiếu qui định rõ ràng nên chưa phân biệt được “phế liệu” và “chất thải”. Nhiều ĐBQH thống nhất cho rằng, các qui định Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) chỉ mang khuynh hướng giải quyết hậu quả và chưa lường hết những hậu quả đối với môi trường. Nếu thực hiện như trong Dự thảo Luật sẽ biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới.

Với nhận định rằng nhập khẩu phế liệu cho tái chế là cần thiết, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Bình Định) thấy cần có cơ chế kiểm soát để mang tính phòng ngừa, bền vững, có danh mục được phép, bổ sung qui định về kho được xác nhận, cấp phép mới được mua bán, thông báo với cơ quan chức năng để kiểm soát.

Cùng với việc kiểm soát từ đầu nguồn nhập khẩu phế liệu, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, cần qui định loại phế liệu được nhập khẩu và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi việc nhập khẩu phế liệu gây ra ô nhiễm môi trường, khuyến khích tái chế phế liệu trong nước.

Bên cạnh đó, đề xuất cho nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, sử dụng nguyên liệu cũng trở thành một vấn đề đáng lo ngại cho môi trường. Thực tế, việc nhập tàu biển đã qua sử dụng về tháo dỡ là hình thức vận chuyển chất thải nguy hại (có đến 10% là chất thải nguy hại trong những con tàu này) nên một số ĐBQH đã đề nghị không cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng. ĐB Trần Văn Minh (tỉnh Quảng Ninh) thì đề nghị cân nhắc qui định này vì dù thực tế khó kiểm soát chu đáo nên sẽ phải đối mặt với thiệt hại môi trường và bức xúc của dư luận.

Liên kết với Bộ luật Hình sự để xử lý vấn đề môi trường

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) quan tâm nhiều đến những vấn đề “sát sườn” với quyền lợi của người dân trong hoạt động BVMT như khi xảy ra sự cố môi trường, chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết, chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại?.

Theo ĐB này, qua các sự cố môi trường do Công ty Vedan, Công ty Thành Thái… gây ra, ảnh hưởng đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân nhưng vì người dân không có quyền khởi kiện tập thể nên phải khởi kiện cá nhân, gây tốn kém, phức tạp cho người dân và việc giải quyết. Để khắc phục, Dự thảo Luật BVMT cần có sự “liên kết” với Bộ luật Hình sự để xử lý những vấn đề có mối liên hệ chéo, đảm bảo quyền lợi người dân trong quá trình giải quyết, xử lý các sự cố môi trường.