Công bố danh sách 100 loài nguy cấp nhất

ThienNhien.Net – Tổ chức Bảo tồn Thiên Nhiên Quốc tế (IUCN) và Hiệp hội vườn thú London (ZSL) vừa công bố báo cáo mới liệt kê 100 loài nguy cấp nhất.

Danh sách các loài nguy cấp nhất được liệt kê là kết quả đánh giá của hơn 8000 nhà khoa học thuộc Ủy ban Vì sự sống còn các loài của IUCN (IUCN SSC). Báo cáo mang tên Priceless or Worthless (Vô giá hay vô giá trị) đã liệt kê 100 loài từ 48 quốc gia khác nhau đang trên bờ tuyệt chủng nếu không có hoạt động bảo tồn.

Chỉ còn khoảng 250 cá thể ôtit lớn Ấn Độ

Sắp xếp tên các loài theo thứ tự bảng chữ cái và những thông tin về chúng, Báo cáo đã thống kê các loài nguy cấp trên diện rộng, từ nấm (Cryptomyces maximus), lưỡng cư (ếch Nam Phi – Heleophryne rosei), đến thực vật có hoa (phong lan – Dendrophylax fawcettii) và nhiều loài khác.

“Những loài được liệt kê tiêu biểu cho 100 loài nguy cấp nhất. Nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ kịp thời thì chúng sẽ sớm tuyệt chủng.” – Báo cáo khẳng định.

Cryptomyces maximus – một loại nấm sắp tuyệt chủng (Mongabay)
Ếch Archey (Leiopelma archeyii), chỉ có ở New Zealand cũng đang nguy cấp
Rùa hình học (Psammobates geometricus) đã mất gần hết môi trường sống ở Nam Phi (Mongabay)

Trong khi khoa học đã mô tả được khoảng 2 triệu loài trên Trái Đất, thì có tới vài triệu (thậm chí vài chục triệu) loài được cho là chưa được phát hiện.

Thêm vào đó, kiến thức về các loài cũng được cho là thiếu cân đối vì hiện dữ liệu về các quần thể động vật có xương sống như động vật có vú, lưỡng cư và mối đe dọa tới chúng phong phú hơn các thông tin tương tự đối với côn trùng, thực vật và nấm.

100 loài sắp tuyệt chủng đánh dấu một cuộc khủng hoảng về đa dạng sinh học đang gia tăng, điều có thể dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt với nhiều hệ lụy không lường trước được đối với hệ sinh thái.

Theo Ellen Butcher, đồng tác giả của báo cáo, tất cả các loài có trong danh sách đều là duy nhất và không thể thay thế. Nếu chúng biến mất thì dù tốn kém bao nhiêu cũng không thể nào đưa chúng trở lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta hành động ngay thì các loài sinh vật đó sẽ có cơ hội tồn tại. Hiện nay chỉ có một số loài dành được sự quan tâm bảo tồn như tê giác Sumatra và sao la trong khi nhiều loài khác vẫn còn bị thờ ơ.

Tê giác Sumatra còn khoảng 250 cá thể (Mongabay)

Cộng đồng tài trợ và các chiến dịch bảo tồn đang gia tăng cách tiếp cận “thiên nhiên làm gì được cho chúng ta”, trong đó các loài và môi trường sống tự nhiên được đánh giá và đặt ưu tiên theo những dịch vụ sinh thái mà chúng cung cấp cho con người. Điều này càng làm cho công tác bảo tồn các loài nguy cấp gặp nhiều trở ngại – Jonathan Baillie Giám đốc ZSL, một đồng tác giả khác của báo cáo cho biết.

Ngoài những thống kê về loài nguy cấp, Báo cáo cũng ghi nhận một số nỗ lực bảo tồn có nhiều hiệu quả, như trường hợp của ngựa Prezwalski, cá voi lưng gù và két đen. Tuy nhiên, xu thế chung được các nhà khoa học mô tả vẫn là suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu. Và “Xã hội đang ở một thời điểm lịch sử cần có một quyết định, liệu những loài này có quyền được tồn tại hay không” – Elle Baillie nhận định.

Báo cáo được trình bày tại Hội nghị Bảo tồn thế giới của IUCN vào ngày 11/9 vừa qua tại Hàn Quốc.