Tài nguyên quốc gia cần được thắt chặt quản lý

ThienNhien.Net – Liên tục trong hai ngày mùng 9 và 10/11, Quốc hội đã tập trung thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan tới các nguồn tài nguyên quốc gia như đất, nước, rừng. Ở cả ba nội dung – Luật Tài nguyên nước, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015), và Dự án 5 triệu ha rừng đều xuất hiện những mảng xám trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên. Sau những góp ý thẳng thắn, yêu cầu được rút ra là cần nhìn nhận rõ thực trạng bất cập để xử lý dứt điểm và thúc đẩy quản lý hiệu quả ba nguồn tài nguyên quan trọng này.

Quản lý tài nguyên nước bị buông lỏng

Cùng “nóng” với những thiệt hại mà cơn lũ vừa qua gây ra cho biết bao vùng miền, thủy điện cũng là câu chuyện được quan tâm nhất tại phiên thảo luận sáng 9/11 về Luật Tài nguyên nước. Đa phần các đại biểu đều phản ánh về những bất cập trong công tác quản lý thủy điện cũng như quy trình vận hành liên hồ chứa, dẫn đến thực trạng lũ chồng lũ, làm gia tăng thiệt hại và tác động nghiêm trọng tới các vùng hạ du.

Bản thân báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, tổng công suất của thủy điện tuy đóng góp tới 40% sản lượng điện toàn quốc nhưng việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa cũng như chuyển nước lưu vực đang gây ra nhiều hậu quả. Điển hình là việc xây hồ chứa chưa quan tâm đến chức năng phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thẳng thắn phản ánh, hiện nay việc khai thác sử dụng nguồn nước cho thủy điện rất phức tạp. Thực tế cho thấy việc vận hành một số công trình thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư vùng hạ du. Nhiều nơi thủy điện gây thiệt hại lớn về kinh tế như thủy điện A Vương năm 2010 xả lũ gây lụt, thủy điện An Khê gây ô nhiễm cho tỉnh Gia Lai, thủy điện Sông Ba ở Phú Yên… Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa có điều khoản, nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của các chủ đầu tư, các tổ chức làm thiệt hại kinh tế đối với đời sống dân sinh.

“Tôi đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức làm thiệt hại đến kinh tế, đời sống nhân dân ở các vùng hạ lưu và cộng đồng dân cư, phải có trách nhiệm bồi thường kinh tế nếu xảy ra sự cố do lỗi chủ quan”- đại biểu Thành nói.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Nhấn mạnh tới vai trò quản lý của một trong những ngành đầu tàu là Bộ NN&PTNT, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đồng thời cũng phát biểu: “Tôi ngạc nhiên là trong dự thảo luật không thấy vai trò quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT ở đâu. Trong thực tế, Bộ NN&PTNT đang xử lý, điều tiết nguồn nước rất lớn nhưng trong dự thảo không thấy vai trò của Bộ này. Tôi đề nghị phải làm rõ vai trò của Bộ NN&PTNT từ phòng chống lụt bão, điều tiết hồ, công trình thủy lợi, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, làm muối trong Luật này”.

Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) thì cho rằng, Luật cần có các quy định chặt chẽ để bảo vệ hồ chứa nước điều tiết xả lũ, ví như, các công trình xây dựng không được cản trở dòng chảy, nhà máy hoặc cơ sở xả nước gây ra lũ lụt dưới hạ du phải bị xử phạt nghiêm.

Cần giải trình kế hoạch sử dụng đất trước khi biểu quyết thông qua

Một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi thành đất công nghiệp, đất đô thị nhưng lại không được sử dụng hợp lý, gây lãng phí là nỗi bức xúc chung của hầu hết các đại biểu tham dự phiên thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm. Các đại biểu yêu cầu làm rõ tác động cũng như kế hoạch chuyển đổi trước khi biểu quyết thông qua.

Hiện nay, cả nước có tới 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000ha nhưng tỉ lệ lấp đầy chỉ ở mức 46%. Các dự án ở trong nước đã đăng ký đầu tư vào đây rất lớn nhưng chỉ thực hiện được 40,5%. Trong các khu công nghiệp, có đến gần 7.000 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chỉ tạo ra được 25% GDP và đóng góp vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 1 tỉ đôla. Về đất cụm công nghiệp, có tới 650 cụm công nghiệp và tổng diện tích quy hoạch là 28.000ha nhưng tỉ lệ lấp đầy chỉ 44%.

Trước thực trạng bất cập trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ giải trình rõ, tới khi nào thì chúng ta lấp đầy diện tích trên, cho các ngành công nghiệp nào, cần bao nhiêu tiền, ngành gì chúng ta hoàn toàn có thể tính bằng định lượng. “Làm rõ như vậy thì Quốc hội mới yên tâm biểu quyết, còn nếu định tính thế này chúng tôi không yên tâm để biểu quyết một cách rộng rãi được” – ông Lịch nhấn mạnh.

Một số ý kiến khác thì đề nghị cần sớm xây dựng Luật Quy hoạch trong quản lý quy hoạch đất đai nhằm tránh tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quy hoạch nói chung và đất đai nói riêng. Khi chưa thể xây dựng được Luật ngay thì Chính phủ có thể ban hành tiêu chí thực hiện Quy hoạch.

Chia sẻ thêm về ý kiến này, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) góp ý, việc quy hoạch đất của nhiều địa phương không đồng bộ, dẫn đến chồng chéo, khó triển khai thực hiện, làm lãng phí đất. Theo bà, việc quy hoạch cần dựa trên đối thoại giữa các bên có liên quan để giảm tham nhũng trong quy hoạch sử dụng đất. Hơn nữa, việc quy hoạch sử dụng đất ở cả 4 cấp là không cần thiết, nên cân nhắc bỏ quy hoạch đất ở cấp xã, đặc biệt không nên bố trí đất ở các khu công nghiệp, đô thị nếu diện tích lấp đầy không đạt quá 60%.

Riêng với vấn đề diện tích đất nông nghiệp trong 10 năm tới sẽ giảm xuống mức 3,8 triệu ha, các đại biểu đề nghị nhà nước cần quan tâm hơn nữa và thực hiện tốt các chính sách đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa cũng như những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn để họ giữ ruộng, đảm bảo an ninh lương thực.

Yêu cầu kiểm điểm sai phạm dự án 5 triệu ha rừng

Thảo luận về dự án 5 triệu ha rừng, đa số các đại biểu thống nhất kết thúc dự án để chuyển sang giai đoạn bảo vệ và phát triển rừng trong 10 năm tới. Tuy độ che phủ rừng đã đạt 39,5% so với 40% chỉ tiêu đề ra nhưng nhiều đại biểu vẫn chưa hài lòng với những gì báo cáo dự án giải trình. Thậm chí, không ít ý kiến nghi ngờ về độ chính xác của con số này.

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) thẳng thắn nhận định, hiện trạng rừng theo báo cáo có độ tin cậy không cao bởi diện tích đất trống, đồi núi trọc tại nhiều địa phương vẫn còn rất lớn. Ông Thành đề nghị rà soát lại diện tích rừng cho đúng với thực tế.

Khi mổ xẻ về những bất cập trong công tác thực hiện, nhiều ý kiến còn đề nghị kiểm điểm rõ những sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc triển khai dự án.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) bức xúc: “Quy hoạch là khâu yếu nhất khi thực hiện dự án, yếu đến mức không nắm được diện tích rừng là bao nhiêu để đến độ Quốc hội khóa XI phải ra Nghị quyết 73 điều chỉnh dự án từ 5 triệu ha xuống còn 3 triệu ha. Thực tế qua báo cáo cho thấy đánh giá chưa đầy đủ và có biểu hiện né tránh trách nhiệm. Mục tiêu hàng đầu của dự án là an ninh môi trường cũng không đạt được, nhưng lại không thấy đánh giá”.

Ông Diệu cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi như “Dự án đã có nhiều sai phạm theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, vậy sai phạm đã được xử lý như thế nào? Có hay không những sai phạm khi sử dụng nguồn vốn như chi vượt, chi sai mục đích, thậm chí sử dụng sai mục đích hàng trăm tỷ đồng? Do đó, tôi đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ với Quốc hội về những sai phạm của dự án, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện dự án”.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu rất quan tâm là tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng hoặc cây công nghiệp. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có chính sách hạn chế đến mức tối đa việc chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên nguyên sinh sang trồng rừng kinh tế, nhất là trồng caosu, càphê. Bên cạnh đó, cần quy định rõ tỉ lệ thuế tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng của các nhà máy thủy điện để đầu tư trở lại cho người làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.