Gia tăng làn sóng tị nạn môi trường

ThienNhien.Net – Từ lâu thế giới đã biết đến khái niệm tị nạn chính trị – hệ quả của một thế giới chia rẽ về ý thức hệ. Tuy nhiên, khi mà biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng thì khái niệm tị nạn môi trường cũng không còn xa lạ bởi ngày càng có nhiều người phải dời bỏ quê hương do các thảm họa môi trường.

Theo Công ước quốc tế về người tị nạn năm 1951, người tị nạn là người có sự lo sợ chính đáng rằng họ sẽ bị hãm hại vì chủng tộc, vì tôn giáo, quốc tịch, vì là thành viên của đoàn thể xã hội nào đó, hoặc vì chính kiến. Khái niệm này nghiễm nhiên đã loại bỏ vị thế của người tị nạn môi trường.

Không được thừa nhận và thống kê 

Phá rừng, xói mòn đất, tan băng, ngập lụt, hóa chất độc hại…đã cướp đi sinh kế của bao thế hệ. Vì vậy mà người dân phải di dời, thậm chí là phải vượt biên để có thể tồn tại. Tuy nhiên, đến nay chưa có một con số xác thực nào về số nạn nhân của tình trạng này.

Theo Hiệp hội Mỹ vì Sự phát triển khoa học (AAAS) ước tính, sẽ có khoảng 50 triệu người tị nạn môi trường vào năm 2020 do các yếu tố gián đoạn nông nghiệp, phá rừng, lũ lụt.. Một số quan điểm khác thì cho rằng con số có thể lên đến 150 triệu vào năm 2050.

Thông tin từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hiện nay đã có khoảng 10,2 triệu người phải tị nạn môi trường, khiến nhiều người tin rằng con số đó còn cao hơn cả số người tị nạn chính trị trên toàn thế giới.

Vào năm 1999, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế báo cáo có khoảng 25 triệu người phải di cư do các thảm họa môi trường. Năm 2009, UNHCR đưa ra con số là 36 triệu, trong đó có 20 triệu trường hợp là nạn nhân của các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, thuật ngữ “tị nạn môi trường” vẫn chưa được ghi nhận chính thức nên nhiều quốc gia cũng không quan tâm đến việc thống kê nhóm đối tượng này, nhất là khi việc di cư chỉ xảy ra trong biên giới quốc gia. Một số nước còn coi những nạn nhân này là người nhập cư trái phép và không nhận được sự bảo hộ dành cho người tị nạn.

Một yếu tố khác khiến cho việc thống kê cũng khó chính xác là con số này có thể tăng lên khá đột ngột. Chẳng hạn như sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm ngoái hay sau trận động đất ở Haiti, hàng triệu người mất nhà cửa chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Số người tị nạn môi trường đang ngày càng gia tăng (Ảnh: Saawinternational.org)

Một cuộc khủng hoảng ngầm…

Hai thập kỷ trước, nhà sinh thái học Norman Myers đã dự đoán rằng loài người đang đứng trước một “cuộc khủng hoảng ngầm” do các hệ sinh thái không thể duy trì cuộc sống cho những người cư trú, buộc họ phải tìm đến với những vùng đất mới. Hai cơn bão Katrina và Rita là minh chứng hùng hồn cho lời tiên đoán này. Hình ảnh di tản ồ ạt của hàng trăm ngàn người Mỹ hẳn đã khiến chúng ta phải thừa nhận rằng không một quốc gia nào có thể tránh khỏi ảnh hưởng của các thảm họa khí hậu.

Thật vậy, trong khi chúng ta đang nói chuyện với nhau ở đây thì Kiribati, Maldives và Tuvalu đang dần biến mất và nước biển vẫn tiếp tục dâng. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nước biển dâng 1 mét ở Bangladesh – với dân số 140 triệu – sẽ làm biến mất 17,5% diện tích đất liền của nước này và kéo theo các hệ quả như xói mòn bờ sông, xâm nhập mặn, lũ lụt, thiệt hại về cơ sở hạ tầng, mùa màng thất thu và mất đa dạng sinh học.

Trung Quốc là một điểm nóng của các thảm họa môi trường bởi sự phát triển thiếu bền vững, ô nhiễm không khí tăng nhanh và các con sông bị nhiễm hóa chất độc hại, còn đất đai thì bị sa mạc hóa. Những thảm họa nhân tạo này sẽ khiến hàng triệu người phải di tản. John Liu, giám đốc của Dự án Giáo dục Truyền thông môi trường, đã trải qua 25 năm làm việc ở Trung Quốc và chứng kiến những thảm họa đó đã cảnh báo: “Tất cả các hệ sinh thái trên hành tinh đang bị đe dọa trước sự sụp đổ thảm khốc. Nếu chúng ta không bắt đầu để xác nhận và giải quyết chúng thì chúng ta sẽ bị nhấn chìm.”

Số người tị nạn tăng lên, giải pháp ít đi

Việc Tổng thống Obama cấp quy chế bảo vệ tạm thời (temporary protected status – TPS) cho những nạn nhân Haiti di cư trái phép đến Mỹ sau thảm họa động đất được coi là một hành động chính đáng. Bởi vì việc buộc họ phải hồi hương trở về một đất nước nghèo khó vừa bị tàn phá bởi thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử là một hành động phi đạo đức, vô nhân đạo.

Điều đáng buồn là những hành động như vậy rất hiếm, và nếu được thực hiện người ta chỉ quản lý để giải quyết một phần nhỏ các nhu cầu bức thiết về pháp lý và nhân đạo của lượng người tị nạn đang ngày tăng lên. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng nhu cầu của những người tị nạn là giống nhau ở mọi trường hợp.

Chính sách đối với những người tị nạn khí hậu vì vậy nên bao gồm cả các vấn đề về tái trồng rừng và canh tác trên đất thoái hóa, khử đất nhiễm mặn. Bên cạnh đó, Tòa án Công lý quốc tế cũng cần tăng cường truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về những thảm họa môi trường do khai thác mỏ trái phép, phá rừng và phát thải chất độc hại.

Cho dù thảm họa chỉ xảy ra ở một phần của thế giới, nhưng đòi hỏi toàn thể nhân loại phải cùng nhau hành động. Trong bối cảnh nước biển dâng và con số người tị nạn ngày càng tăng, nếu chúng ta làm ngơ thì loài người sẽ tự nhấn chìm chính mình.