ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đây của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA), sử dụng thiết bị quan sát 3 chiều, cho thấy có tới 64 triệu tấn bụi, chất ô nhiếm và hạt vật chất trôi nổi qua đại dương và tập trung ở Bắc Mỹ mỗi năm (88% số đó có nguồn gốc từ bên kia Thái Bình Dương).
Tuy không khí trông có vẻ sạch nhưng thực tế thì mỗi lần thở, chúng ta hít vào tới 10 triệu tinh thể hạt rắn và chất lỏng. Những chất này tồn tại ở biển, sa mạc, núi, rừng hay bất cứ hệ sinh thái nào.
Những vật chất này có ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện khí hậu nhưng quan sát và định lượng ảnh hưởng của chúng đến sự tăng hoặc giảm nhiệt độ của Trái Đất không hề đơn giản. Để nghiên cứu ảnh hưởng này, NASA đã sử dụng vệ tinh với các kỹ thuật quan sát hiện đại kết hợp với đo tốc độ gió để ước tính lượng bụi tích tụ.
Qua đó, các nhà khoa học phân biệt được các loại bụi và độ cao tương đối mà chúng thường tập trung. Một vài kết quả của nghiên cứu này là: bụi di chuyển sôi động nhất vào mùa xuân, phần lớn đến từ châu Á (60 – 70%), còn lại đến từ Châu Phi và Trung Đông.
Các chất ô nhiễm sinh ra từ các đám cháy tự nhiên, từ quá trình đốt phế phẩm nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch lơ lửng ở tầng thấp của khí quyển và là đối tượng nghiên cứu được quan tâm chủ yếu của các nhà quản lý chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, bụi ở tầng cao ít được quan tâm hơn nhưng ảnh hưởng của chúng tới khí hậu có thể rất đáng kể. Một trong số những ảnh hưởng đó là làm giảm nhiệt độ Trái Đất. Các nhà khoa học đã tính toán được rằng lượng bụi được gió mang đến Bắc Mỹ góp phần làm giảm tới 1/3 lượng bức xạ mặt trời. Và sự biến đổi khí hậu do các khí nhà kính gây lên vì vậy cũng có thể chịu tác động của mối liên hệ này trong tương lai.