ThienNhien.Net – Mặc dù chính quyền tỉnh Bắc Giang đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý tài nguyên nhưng thời gian qua, tình trạng khai thác đất sỏi, đất sét trái phép làm vật liệu xây dựng vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân trong vùng.
Báo Bắc Giang ngày 07/08/2012 đưa tin, thời gian qua, khu vực núi Nham Biền (huyện Yên Dũng) và núi Kẹm, núi Ải Quang, núi Nhẫm, núi Mâu, núi Ba Cây (huyện Việt Yên) thường xuyên diễn ra tình trạng các doanh nghiệp, cá nhân khai thác đất sỏi trái phép phục vụ cho các dự án san lấp mặt bằng. Khi khai thác xong hoặc bị các cơ quan đình chỉ khai thác, các doanh nghiệp này không hề có động thái phục hoàn môi trường khiến người dân trong khu vực luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở.
Cùng với tình trạng bạt đồi, xẻ núi lấy đất sỏi, nguồn đất sét cũng bị đào, khoét tràn lan làm nguyên liệu hoạt động cho các lò gạch thủ công. Sau khi UBND tỉnh quyết liệt triển khai lộ trình cấm lò gạch thủ công hoạt động, nhiều chủ lò còn diện tích ruộng trũng đã đào đất bán cho các doanh nghiệp sản xuất gạch trong và ngoài tỉnh mà không thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép khai thác hoặc xin phép một đằng, thực hiện một nẻo.
Tháng 06 và tháng 07 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra việc khai thác, sử dụng đất sét của các dự án, cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh. Kết quả sơ bộ cho thấy toàn tỉnh có tới 46/56 dự án, cơ sở không có vùng nguyên liệu được cấp phép khai thác. Khi khai thác theo đúng giấy phép, các đơn vị phải chịu sự giám sát chặt chẽ về khối lượng để làm căn cứ nộp thuế tài nguyên, phải bố trí kinh phí cho việc thiết kế mỏ, thuê Giám đốc điều hành mỏ, bảo đảm an toàn lao động, ký quỹ môi trường… Vì vậy, một số doanh nghiệp đã cố tình lấy đất “chui” hoặc mua đất sét nguyên liệu tự do trên thị trường.
Đầu năm 2012 này UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị 02, ngày 21/02/2012 về việc tăng cường quản lý tài nguyên và hoạt động khoáng sản nhưng việc thực hiện chỉ thị này chưa được đồng bộ, quyết liệt. Nhiều ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng nên cấp phép khai thác đất gắn với địa chỉ sử dụng cho từng khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mới, từng doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói để thuận lợi cho khâu quản lý, giám sát. Liên quan đến nguồn nguyên liệu đất sét, các cơ quan chuyên môn cần có biện pháp xử lý những doanh nghiệp không xin cấp phép khai thác vùng nguyên liệu theo cam kết đầu tư; thu mua đất sét không rõ nguồn gốc hoặc thu mua từ những đơn vị, cá nhân không được phép khai thác.