Việt Nam có thể gặp khủng hoảng nước

ThienNhien.Net – Đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo thảo luận chính sách “Quản lý lưu vực sông Việt Nam: Quyền lực và thách thức” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) công bố ngày 29/05/2012.

Theo báo cáo, Việt Nam có hơn 2.370 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính, 13 con sông có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2, với tổng diện tích các lưu vực sông là 1.167.000 km2, trong đó, phần lưu vực nằm ngoài lãnh thổ chiếm khoảng 72%. Tổng lượng nước mặt của các lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3/năm, nhưng chỉ có khoảng 310-315 tỷ m3 (37%) là nước nội sinh, còn 520-525 tỷ m3 (63%) là nước chảy từ các nước láng giềng vào lãnh thổ Việt Nam.

Khủng hoảng nước
(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Với dân số gần 87 triệu người, tổng lượng nước bình quân đầu người theo năm ở Việt Nam đạt khoảng 9.560m3/người, thấp hơn chuẩn 10.000 m3/người/năm của quốc gia có tài nguyên nước ở mức trung bình theo quan điểm của Hiệp hội Nước Quốc tế (IWRA). Tính theo lượng nước nội sinh thì Việt Nam hiện mới đạt khoảng 4.000m3/người/năm, và đến năm 2025 có thể bị giảm xuống còn 3.100m3. Đặc biệt, trong trường hợp các quốc gia thượng nguồn không có sự chia sẻ công bằng và sử dụng hợp lý nguồn nước trên các dòng sông liên quốc gia, thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước, và có khả năng sẽ xảy ra khủng hoảng nước, đe dọa đến sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội và an ninh lương thực.

Một thực trạng khác được báo cáo chỉ ra là tài nguyên nước trên các lưu vực sông ở Việt Nam đang bị suy giảm và suy thoái nghiêm trọng do nhu cầu dùng nước tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, thuỷ điện, làng nghề và do khả năng quản lý yếu kém. Các hệ sinh thái rừng tự nhiên duy trì nguồn sinh thuỷ từ thượng nguồn các lưu vực cũng bị suy giảm trên diện rộng do nạn phá rừng, canh tác công-nông nghiệp, khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Giải pháp được nhóm tác giả đưa ra là thành lập và trao đủ quyền cho các ủy ban lưu vực sông nhằm thúc đẩy quản lý thích ứng và tổng hợp tài nguyên nước hiệu quả trên các lưu vực sông trong bối cảnh các sức ép về mối đe dọa khai thác không bền vững ngày càng tăng, đảm bảo các bên sử dụng nước hợp lý, công bằng và bền vững, nhất là nhóm doanh nghiệp.

Đông Nam Á hiện mới chỉ có 6 quốc gia có tổ chức lưu vực sông là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Phillipin, Singapore và Việt Nam với khoảng 85 tổ chức dưới nhiều tên gọi và cấu trúc tổ chức khác nhau.