Sắp khởi công thủy điện lớn nhất tại Lào

ThienNhien.Net – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư và chuẩn bị khởi công xây dựng công trình Thủy điện Luang Prabang với công suất 1.410MW trên dòng sông Mê Kông tại Lào với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến gần 2 tỷ USD. Dự án này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa chính phủ Lào và Tập đoàn dầu khí Việt Nam được kí trong tháng 10/2007.

Nhà máy Thủy điện Luang Prabang sẽ được xây dựng theo hình thức BOT, 100% vốn của Việt Nam, dự kiến sẽ được triển khai xây dựng vào năm 2008 nhằm cung cấp điện cho cả 2 nước Lào và Việt Nam. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 về đầu tư nước ngoài tại Lào.

Với mức tăng trưởng kinh tế 8,4%/năm, nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển của Việt Nam cũng tăng lên gấp đôi (khoảng 17%). Điều này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước bạn Lào – nơi có các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú và gần như vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi đó, Lào cũng đang kêu gọi các nguồn đầu tư khai thác tiềm năng thuỷ điện với mục tiêu trở thành nguồn năng lượng của Đông Nam Á và bán điện sang các nước láng giềng như Việt Nam, Thái Lan.

Tuy nhiên, các nhà môi trường đã cảnh báo về những kế hoạch xây dựng đập thuỷ điện mới trên sông Mê Kông của các công ty Trung Quốc, Thái Lan cũng như Việt Nam. Họ cho rằng những dự án này sẽ phá hủy hệ thống đường thủy trọng yếu của Châu Á chảy từ vùng Tây Tạng (Trung Quốc) đến miền Nam Việt Nam. Theo khuôn khổ dự án sẽ có khoảng 10.000 người dân phải di dời khỏi nơi sinh sống để nhường chỗ cho những con đập khổng lồ, ngoài ra việc xây dựng các công trình này sẽ gây tổn hại đến hệ sinh thái sông và gây nguy hiểm cho nhiều loài như cá trê khổng lồ hay cá heo mỏ Irrawaddy – những loài quí hiếm của sông Mê Kông.

Hiện nay, tại Lào có dưới 10 con đập được vận hành, tuy nhiên quốc gia này đang xem xét khoảng hơn 70 dự án mới. Dự án lớn nhất hiện đang thi công là của Thái Lan và Pháp- được xây dựng ở Nam Theun 2, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động khoảng cuối năm 2009. Ngân hàng thế giới cũng sở hữu dự án một con đập 1.075MW trị giá 1,45 tỷ đô la Mỹ – là dự án lớn nhất cho đến khi dự án Luang Prabang của Petrol Việt Nam được thi công.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều dự án thuỷ điện nhất tại Lào với kế hoạch xây 8 con đập trên đoạn sông Mê Kông chảy qua nước này, với tổng công suất trên 16.000MW, trong đó 2 công trình đã hoàn thành việc xây dựng và 4 công trình khác đang được thi công. Các công trình thủy điện này đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến các cộng đồng dân cư ven sông ở Mi-an-ma, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam.

Trong khi đó, các công ty Việt Nam tại Lào cũng lên kế hoạch bắt đầu xây dựng con đập Xekaman I với công suất 290MW trị giá 400 triệu đô la Mỹ vào năm tới, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Theo tin từ Thông Tấn xã Việt Nam, một con đập khác trị giá 270 triệu USD có công suất 250MW Xekaman 3 hiện đang được thi công và sẽ truyền tải điện năng xuyên qua biên giới khoảng năm 2009. Hơn 3 dự án đập nữa cũng đang được tiến hành nghiên cứu khả thi.

Chính phủ Lào và Ngân hàng Thế giới cho rằng các dự án này có thể giúp Lào thu được nhiều lợi nhuận và đưa người dân của họ thoát khỏi đói nghèo.

Phát biểu về vấn đề này, đại diện cho Mạng lưới sông ngòi quốc tế Carl Midddleton nói rằng: “Một loạt các dự án xây đập trên Mekong đã được đề xuất lần đầu tiên trong những năm 1960 và 1990 nhưng bị gạt bỏ bởi những lo ngại về tác động môi trường và xã hội. Sự trở lại của các dự án này mở đầu một xu hướng đáng lo ngại về sự phát triển thủy điện trong khu vực này”.

Do thay đổi chế độ thủy văn của sông, các đập thuỷ điện sẽ ngăn cản sự di cư của các loài cá, tác động đến hệ sinh thái sông và có thể tác động ngược trở lại suốt toàn bộ lưu vực. Trong khi đó, đời sống của các cộng đồng dân cư trong khu vực này gần như phụ thuộc vào các nguồn cá, nước, vựa phù sa màu mỡ và hệ thống đường thuỷ của sông Mê Kông.