Còn tràn lan phải chăng vì “chưa gây hậu quả nghiêm trọng”?

ThienNhien.Net – Nạn khai thác vàng trái phép ở Ngân Sơn, Bắc Kạn diễn ra nhiều năm nay không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới môi trường xung quanh, làm mất đất sản xuất nông nghiệp của nông dân mà còn gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Thế nhưng, cho đến nay chính quyền từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn cũng như xử lý hậu quả của tình trạng này.

Hiện tại, ngoài nhiều diện tích đất nền nông nghiệp đã bị khai thác vẫn chưa được hoàn thổ, một số hệ thống kênh mương phục vụ cho việc canh tác của người dân cũng bị phá hủy trong quá trình khai thác cũng chưa được sửa chữa. Các cấp chính quyền đã mất nhiều thời gian cho các cuộc họp, hội nghị và cũng đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất về vấn đề này, nhưng đến nay việc xử lý và ngăn chặn tình trạng này vẫn còn bế tắc.

Tại một điểm khai thác vàng trái phép gần trung tâm xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn – nơi trước đây là đất nông nghiệp, hoạt động khai thác đã bị dừng lại từ nhiều tháng nay nhưng hàng loạt hố sâu rộng cả héc-ta và chục đồi sỏi đá lớn nhỏ vẫn còn nguyên trạng khiến người dân không thể canh tác. Khu vực này trước đây có khoảng hơn 1ha ruộng cấy và hơn 5ha đất ven sông trồng cây hoa mầu và để bảo vệ đất, chống xói mòn phục vụ cho sản xuất, huyện Ngân Sơn đã đầu tư kinh phí để xây dựng kè chống xói lở hai bên bờ sông. Nhưng đáng buồn là vì lợi ích trước mắt, một số hộ dân có đất đã bắt tay với các chủ khai thác vàng lật những mảnh ruộng lên để tìm vàng, kể cả những diện tích đất nằm trong khu vực được kè bảo vệ. Việc khai thác vàng trái phép tại đây đã làm hư hỏng và vùi lấp cả một đoạn kè dài do nhà nước đầu tư xây dựng.

Còn tại một điểm khác ở xã Thuần Mang, sau khi kết thúc một hợp đồng khai thác vàng trái phép, những mảnh ruộng nơi đây cũng bị đào bới nham nhở, ngổn ngang đất đá. Mương dẫn nước được nhà nước đầu tư phục vụ việc tưới tiêu cho cánh đồng Bản Giang giờ đã trở thành mương nước phục vụ khai thác vàng trái phép. Với tình hình hiện nay thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của thì những diện tích trên mới có thể canh tác được như trước. Song điều đáng nói là vì lợi ích trước mắt, chưa thấu được hậu quả lâu dài nên vẫn còn nhiều người dân bắt tay khai thác vàng trên đất ruộng và coi đó là chuyện bình thường.

Anh Dương Văn Huấn, một người dân xã Thượng Ân cho hay: Cách đây 5 năm, gia đình anh có 7 con trâu. Cũng khoảng thời gian này, thôn Nà Vài của anh còn có nhiều bãi chăn thả gia súc dọc theo con suối của thôn. Sau mỗi mùa thu hoạch thì đàn trâu nhà anh và các gia đình khác trong thôn lại được thả trên các bãi soi, ruộng nên phát triển khá tốt. Thu nhập từ việc chăn nuôi trâu, bò có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Nhưng mấy năm trở lại đây việc đào đãi vàng trái phép diễn ra quá rầm rộ khiến những bãi chăn thả và những bãi màu mỡ kia đã bị biến thành những đồi sỏi đá, vũng nước rộng cả mấy nghìn m2… làm số lượng trâu của thôn cũng giảm dần theo các năm. Hiện gia đình anh Huấn chỉ còn 3 con trâu, nhưng việc chăn thả rất vất vả vì không còn bãi chăn thả gia súc nữa. Thậm chí có lần trâu nhà anh còn bị thụt xuống hố, không lên được, may anh phát hiện kịp thời và nhờ mấy người trong làng kéo lên giúp.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo xã Thượng Ân cho biết mặc dù chính quyền xã đầu tư nhiều cho tuyên truyền nhưng người dân vẫn khá dửng dưng. Thực trạng này có thể là do họ khá hài lòng với khoản tiền bồi thường của các chủ khai thác vàng hoặc do tình trạng khai khác vàng trên địa bàn đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, sau khi khai thác vàng trên đất ruộng, kể cả khi đã được hoàn thổ thì năng suất cây trồng trong những năm đầu sẽ không cao và phải mất 5 năm mới có thể canh tác như trước. Trong trường hợp không được hoàn thổ thì diện tích đất này gần như phải bỏ hoang. Đó là còn chưa kể đến việc phải đầu tư để khắc phục những hệ công trình thủy lợi đã bị vàng tặc làm hư hỏng.

Anh Hoàng Ngọc Ngự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn cho biết trong thời gian tới phòng sẽ phối hợp với chính quyền các xã rà soát lại những diện tích đất chưa được hoàn thổ. Đối với những mảnh đất đã có sổ đỏ mà không hoặc chưa canh tác được thì chính quyền sẽ đề nghị chủ sở hữu đất chủ động hoàn thổ. Đối với trường hợp, chủ sở hữu không có khả năng hoàn thổ, phòng sẽ tham mưu cho cấp trên thu hồi diện tích đó.

Hậu quả của tình trạng khai thác vàng trái phép trên đất ruộng ở Ngân Sơn đã quá rõ ràng – mất tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, môi trường ô nhiễm và công trình dân sinh của nhà nước bị hư hỏng. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả và ngăn chặn triệt để vấn nạn này cần phải có sự phối hợp của các ban ngành các cấp từ tỉnh tới cơ sở.