Tàn sát rừng nghiến ở Hà Giang (Kỳ 3)

Kỳ 3: Kiểm lâm có cũng như không

ThienNhien.Net –  Rất nhiều biện pháp đã được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng đặc dụng Phong Quang nhưng rút cục đều thất bại. Chưa biết tới khi nào nạn khai thác tài nguyên trái phép nơi đây mới được khống chế, song bằng cảm quan mà nói, với một lực lượng mỏng manh như hiện nay thì cả biên phòng và kiểm lâm Hà Giang cũng khó có thể làm gì trước đội quân phá rừng vừa đông đảo, vừa liều lĩnh.

Với những chiếc cưa máy như thế này thì chỉ cần 10 - 15 phút là có thể đốn hạ một cây nghiến có đường kính lên tới hơn 1m

“Nước xa không cứu được lửa gần”

Đầu tháng 3/2012, UBND huyện Vị Xuyên tiếp tục thành lập thêm 3 tổ công tác liên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại xã Minh Tân (trước đó đã có 2 tổ công tác liên ngành được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả và đã giải thể).

Với lực lượng bao gồm công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm đóng trên địa bàn, dân quân tự vệ và cán bộ xã, các tổ công tác được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại 3 thôn “nóng” nhất của Minh Tân. Thời gian công tác kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ 1/3.

Mặc dù được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng song phương án bổ sung nhân lực nêu trên vẫn chưa thu được kết quả như mong đợi. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Việt Bách – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Quang cho biết, do khu rừng có nhiều vị trí tiếp giáp biên giới nên hoạt động buôn bán, vận chuyển lâm sản diễn ra rất thuận lợi, “lâm tặc” có thể sử dụng mọi ngả đường, mọi hình thức vận chuyển mà không bị cơ quan chức năng phát hiện. Mặt khác, lợi nhuận từ khai thác gỗ quá lớn nên không chỉ những “lâm tặc” chính hiệu mà ngay cả người dân cũng sẵn sàng tham gia tiếp tay cho nhóm đối tượng này.

Ông Bách khẳng định, dù có bổ sung lực lượng biên phòng tham gia vào công tác bảo vệ rừng thì việc các đơn vị này đóng ở quá xa khu vực biên giới cũng không thể khiến mục tiêu kiểm soát tình hình khai thác, mua bán gỗ trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt là thực trạng nan giải đang diễn ra tại hai thôn Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả thuộc xã Minh Tân.

Thêm một nhân tố “góp phần” làm giảm hiệu quả hoạt động kiểm soát của lực lượng chức năng cần phải kể tới chính là những thủ đoạn, mánh khóe tinh vi được các đối tượng “lâm tặc” sử dụng triệt để. Ở tất cả các ngả đường dẫn vào rừng, chúng đều bố trí người canh gác cẩn mật cùng các thiết bị liên lạc, vì thế mỗi khi cán bộ kiểm lâm, biên phòng ra khỏi nhà (chứ chưa nói đi đến cửa rừng) thì mọi thứ đã được chuẩn bị, thu xếp “chu đáo”. Một trong những phương án được bọn chúng sử dụng tương đối phổ biến là chọc thủng lốp xe hoặc hủy hoại phương tiện, thiết bị của lực lượng đi tuần.

Tâm sự với chúng tôi, cán bộ lái xe của Hạt kiểm lâm Phong Quang vẫn còn rùng mình khi nhớ lại mỗi lần vào kiểm tra tại các thôn thuộc xã Minh Tân bởi không lần nào chiếc xe u uát mà anh điều khiển không bị dính chông, xịt cả bốn lốp. Không chỉ sử dụng loại đinh thông thường, “lâm tặc” còn dùng cả đinh sắt 6 hình chứ L, chữ Z rải khắp dọc đường. Anh cho biết, bản thân một cán bộ kiểm lâm của Hạt trong một lần bắt gỗ lậu cũng bị các đối tượng ném đá đứt lìa ngón tay.

Lực lượng vừa thiếu vừa yếu

Bên cạnh rất nhiều nguyên nhân khách quan được đưa ra, một nguyên nhân chủ quan “muôn thuở” cũng được lực lượng kiểm lâm đề cập trong Báo cáo số 26/BC-KL về tình hình khai thác vận chuyển gỗ trong rừng đặc dụng Phong Quang do một lãnh đạo Hạt ký ngày 22/2/2012 – đó là quân số mỏng, trang thiết bị, phương tiện thiếu thốn, lạc hậu…

Lực lượng kiểm lâm Hà Giang còn quá mỏng so với quy định hiện nay

Ông Hoàng Văn Nình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang thừa nhận, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh hiện nay quá mỏng so với với quy định 1.000 ha/kiểm lâm và 500 ha/kiểm lâm đối với rừng đặc dụng. Theo thống kê, Hà Giang có 195 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 554.891,1 ha, trong đó đất có rừng chiếm 444.860,8 ha nhưng ngành kiểm lâm thì chỉ có 263 người. Trung bình, mỗi kiểm lâm phải phụ trách tới 2 – 3 xã với diện tích lên đến vài nghìn ha.

Lực lượng kiểm lâm vừa thiếu nhân lực, phương tiện hỗ trợ tác nghiệp, lại ở chỗ sáng, trong khi lâm tặc ở trong bóng tối và số lượng lên đến cả nghìn người, vì thế mọi hoạt động bảo vệ rừng ở Phong Quang đều trở nên không hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ cho cán bộ kiểm lâm cũng còn nhiều bất cập nên chưa thúc đẩy được hoạt động kiểm tra, bảo vệ rừng ở nơi đây.

Theo lời một cán bộ kiểm lâm Hạt Phong Quang, hiện nay tỉnh Hà Giang đã có chủ trương khoán công tác phí trên đầu người. Tuy nhiên, với những hạt có nhiều cán bộ trẻ, lương thấp thì còn có công tác phí hay thưởng dịp lễ, Tết nhưng với những hạt có nhiều cán bộ công tác lâu năm thì tất cả đều quy vào quỹ lương. “Có xe ô tô cũng chẳng ai dám đi vì không có tiền đổ xăng dầu, đi làm mà phải tự bỏ tiền túi thì thử hỏi làm sao công việc đến nơi đến chốn được (!?)” – anh cho biết.