Phú Yên phấn đấu giao, cho thuê 165.000 ha rừng

ThienNhien.Net – Nhằm quản lý hiệu quả diện tích rừng hiện có, đồng thời khuyến khích toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2011 – 2015 với tổng dự toán hơn 48,3 tỷ đồng.

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành cơ bản việc giao, cho thuê khoảng 165.000 ha rừng (thuộc quy hoạch 3 loại rừng) đến các chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế.

Cụ thể, trong thời gian từ 2011 – 2015, tỉnh phải hoàn thiện hồ sơ giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng không thu tiền sử dụng rừng cho 05 Ban quản lý rừng phòng hộ với tổng diện tích 74.293 ha; 02 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích rừng 15.395 ha.

Hoàn thiện hồ sơ giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng không thu tiền sử dụng rừng cho các đơn vị lực lượng vũ trang, hộ gia đình, cộng đồng đã được giao, thuê đất có rừng với tổng diện tích 44.771 ha; hoàn thiện hồ sơ giao 112 ha rừng phòng hộ phân tán không thu tiền sử dụng rừng cho tổ chức đơn vị kinh tế khác.

Ươm cây giống phục vụ trồng rừng tại Phú Yên (Ảnh: dangcongsan.vn)

Hoàn thiện hồ sơ giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng đối với 1.750 ha rừng do các tập thể, tổ chức kinh tế, hộ gia đình tự bỏ vốn gây trồng trên đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê (nếu có nhu cầu).

Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp (giao mới) 29.086 ha rừng hiện do UBND các cấp tạm thời quản lý đến các chủ rừng, ưu tiên các chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân là người địa phương.

Đề án yêu cầu, việc giao, cho thuê rừng cần thực hiện theo hai mức độ. Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tập trung, phải căn cứ vào ranh giới, diện tích đã được quy hoạch làm cơ sở giao rừng cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Đối với rừng sản xuất, rừng phòng hộ phân tán, phải đánh giá trữ lượng rừng hoặc giá trị đầu tư (đối với rừng trồng).

Tiến độ thực hiện Đề án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (2011 – 2012); giai đoạn thực hiện thí điểm (2013); và giai đoạn thực hiện toàn diện (2014 – 2015).