“Hãy cứu lấy sông Mê Công”

ThienNhien.Net – Đó là thông điệp được các nhà khoa học gi đến các nhà chính sách, cộng đồng các quốc gia lưu vực sông Mê Công tại Hội thảo “Thủy điện Mê Công: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức vào ngày 10/11 tại Tp Long Xuyên, An Giang.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

“Điên” với đập thủy điện

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ) cho rằng Mê Công không chỉ là con sông lớn nhất Đông Nam á với chiều dài dòng chính 4.590km mà lưu vực con sông này còn là vùng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có nguồn đa dạng sinh học cao thứ 2 trên thế giới, nuôi sống hàng triệu người dân trong lưu vực trên một phần lãnh thổ 6 quốc gia: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam với việc mỗi năm cung cấp 2,6 tỷ tấn cá tự nhiên và 160 triệu tấn phù sa… Tuy nhiên, thời gian gần đây con sông đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa mất cân đối. Hiện khu vực đầu nguồn có tới 8 và phía hạ nguồn có 12 công trình đập thủy điện. Hầu hết việc xây dựng các đập thủy điện này đều thiếu tuân thủ quy trình đánh giá tác động môi trường, sinh thái. Trong khi đó theo các nghiên cứu, sự xuất hiện của các đập thủy điện sẽ làm giảm lượng cá tự nhiên và thậm chí là diệt vong nhiều loài cá đặc hữu…

Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn, chỉ tính riêng Việt Nam, chỉ tính riêng cá di cư theo mùa, tổn thất thủy sản sẽ lên đến 220.000 – 440.000 tấn/năm. Nếu tính 2.500USD/tấn thì số tiền này lên đến 1 triệu USD/năm.

Theo các đại biểu, đáng lo hơn là các đập thủy điện sẽ làm giảm lượng phù sa về phía hạ nguồn và sự sụt giảm này sẽ tác động tiêu cực đến 10 lĩnh vực cực kỳ quan trọng đến sự phát triển bền vững: dinh dưỡng đất và cây trồng, bổ sung nguồn vật liệu xây dựng… , đặc biệt làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông và ven biển.

Vẫn loay hoay chống đỡ

Việc khai thác nói chung và tiềm năng thủy điện nói riêng trên lưu vực sông Mê Công ngày càng mạnh mẽ đã và đang thách thức đến sự phát triển bền vững, nhất là khu vực hạ lưu. Dù rất bức xúc và liên tiếp lên tiếng đấu tranh, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện hữu hiệu. Theo chuyên gia Jake Bruner (IUCN), một trong những nguyên nhân quan trọng là các đơn vị xây đập thường không gánh trách nhiệm chứng minh tổn thất hay không hề có sự hợp tác, thỏa thuận hoặc trao đổi với các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước trước khi quyết định xây dựng.

Thậm chí, ngay cả khi bị “phản biện”, họ vẫn cứ tiếp tục… như “chốn không người” dù trên thực tế đã có cơ chế hợp tác Mê Công với Hiệp định Mê Công 1995 với những điều khoản khá rõ liên quan đến những điều kiện phất triển dòng chính. Jake Bruner đưa ra thí dụ, khi Lào lên kế hoạch xây dựng con đập Don Sahong công suất 260MWW trên dòng Mê Công, nhiều chuyên gia cảnh báo con đập sẽ gây nhưng tác động nghiêm trọng đối với nguồn di cư của cá, nhưng phía dự án lại đưa ra “giải pháp”: sử dụng cầu thang cá. Một ý tưởng chưa tạo được niềm tin rộng rãi.

Chuyên gia nước ngoài phát biểu tại hội thảo.
Chuyên gia nước ngoài phát biểu tại hội thảo

Theo các đại biểu nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do Hiệp định Mê Công không đáp ứng được những thách thức mới, đặc biệt là với tốc độ phát triển thủy điện như hiện nay. “Cụ thể là không rõ ràng và có ràng buộc pháp lý”, Jake Bruner nhấn mạnh. Vì vậy, trong lúc chờ giải pháp hữu hiệu, theo TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, bên cạnh việc tích cực đấu tranh tăng cường cơ chế hợp tác, cần lồng ghép hợp tác Mê Công vào các hợp tác khu vực… Bản thân các nước bị “tác động” cần chủ động nghiên cứu và đề xuất chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội để phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra do tác động của hoạt động phát triển ở thượng lưu.