Cửu đỉnh Huế – Bộ sách ảnh đa dạng sinh học bằng đồng của Việt Nam (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Cửu đỉnh nhà Nguyễn có thể nói là một bộ sách ảnh các loài động thực vật đặc trưng của nước ta, thể hiện một thiên nhiên phong phú, quý giá. Đó cũng có thể coi là một cuốn Sách đỏ Việt Nam hay một Danh lục các loài cần được bảo vệ của thời xưa.

Các loài động vật trên Cửu đỉnh Huế

Trong các loài thú được thể hiện trên Cửu đỉnh đáng chú ý là có cả Tê giác – một loài thú quý vừa tuyệt chủng ở nước ta. Voi, Hổ, Báo, Bò tót, Sơn dương cũng là những loài thú lớn, nay cũng nằm trong danh sách những loài được ưu tiên bảo vệ. Những loài chim quý như Công, Trĩ, Hạc không thể không nhắc đến như một đặc trưng của nước Việt. Cửu đỉnh cũng không quên những loài gia cầm gia súc quan trọng được nuôi như Lợn, Dê, Gà.

Cao đỉnh và Thế miếu nhà Nguyễn
Trong 36 họa tiết các loài động vật thì việc phân nhóm rõ ràng nhất là 2 nhóm Thú và Chim, mỗi nhóm gồm 9 loài:Thú: Hổ, Báo, Tê giác, Ngựa, Voi, Bò tót, Lợn, Dê, Hươu.

ChimTrĩ, Công, Gà, Hạc, Uyên ương, Vàng anh, Vẹt, Yểng, Chim ông già.

Còn lại 18 loài động vật khác không phân định được nhóm cho từng đỉnh.  Chúng có thể được xếp thành một nhóm lớn riêng biệt: Rồng – Trạnh; Đồi mồi – Cá voi; Rùa thiêng – Cá sấu; Ve sầu – Trăn; Sâu dừa – Cá quả; Trai – Cá rô; Vích – Sam; Cá thủ – Sò; Cà cuống –  Rắn lớn.

 

Tê giác trên Chương đỉnh

Có 3 loài động vật trong số này được chạm ở tầng trên của đỉnh, là những loài sống ở “trên không”: Rồng, Ve sầu và Sâu dừa. Các loài khác trong nhóm 18 loài đều được chạm ở tầng dưới, là những loài bò sát hoặc ở dưới nước.

Một số loài được thể hiện trên Cửu đỉnh là linh vật. Rồng (long) được chạm trên Cao đỉnh, ứng với thụy hiệu Cao Hoàng đế của vua Gia Long. Đặc biệt chính trên Cao đỉnh có thể hiện đủ cả Tứ linh: Long (rồng), Ly (hổ), Qui (rùa), Phượng (trĩ). Tiếp đó là Cá voi, ở đây được ghi là Nhân ngư. Hình Nhân ngư được chạm trên Nhân đỉnh, ứng với thụy hiệu Nhân Hoàng đế của vua Minh Mạng.

Con Trạnh trên Cao đỉnh

Loài Rùa thiêng, với hình Bát quái trên lưng, được chạm trên Chương đỉnh, ứng với Chương Hoàng đế Thiệu Trị. Có thể chữ Chương ở đây với nghĩa là Văn chương. Người xưa dùng mai rùa để viết chữ  (giáp cốt văn) và con rùa được cho đội bia ở các văn miếu, đình đền. Vì thế rùa trở thành con vật tượng trưng cho văn chương.

Điều thú vị là trên Cửu đỉnh có đủ mặt 3 loại rùa gặp ở nước ta. Trạnh hay Ba ba, tức là rùa mai mềm. Con Trạnh hay con Giải là tên dân gian của Rùa Hồ Gươm. Rùa mai cứng, hay rùa cạn. Đồi mồi, Vích là những loài rùa nước mặn.

Tất cả các nhóm rùa này hiện nay đều là những loài quý hiếm, cần được bảo vệ. Câu chuyện con Trạnh vua nuôi ở sông Hương hay Rùa Hồ Gươm ở Hà Nội đều cho thấy giá trị của các loài rùa như một con vật linh thiêng, quý báu, xứng đáng đại diện cho hệ động vật nước nhà.

Cà cuống trên Huyền đỉnh

Những loài côn trùng rất dân dã cũng được đưa vào Cửu đỉnh. Đó là con Cà cuống với vị cay đặc biệt, Sâu dừa hay con Đuông để ăn như một món ngon bổ nổi tiếng và Ve sầu, có lẽ được ghi nhận bởi tiếng kêu vang của nó suốt mùa hè hoặc bởi tuổi trẻ bất diệt của loài này (nhờ lột xác).

Gần một nửa số động vật được chạm trên Cửu đỉnh là các loài sống dưới nước như cá, ba ba, trai sò, sam vích. Điều này cho thấy sự phong phú các loài của hệ động vật thủy sinh và tầm quan trọng của chúng đối với người Việt.

Ngày nay, Tê giác, Hươu sao đã tuyệt chủng. Loài Rùa Hồ Gươm chỉ còn 2 cá thể. Hổ, Voi đang mất dần. Gỗ Lim, gỗ Hoàng đàn, gỗ  Bách cũng theo nhau bị đốn hạ. Trầm hương, Kỳ nam, Nhân sâm bị săn lùng, đào bới khắp rừng. Nhìn các hình ảnh trên Cửu đỉnh chúng ta không khỏi hổ thẹn với các bậc tiền nhân trước thực trạng tàn phá sinh giới như ngày nay. Để cạn kiệt đi nguồn tài nguyên giá trị thì Cửu đỉnh, hay sự vững bền của quốc gia, cũng sẽ khó giữ.