Mỹ: Giới môi trường và các nhà vận hành đập bắt tay dỡ đập cũ và củng cố đập mới

Đối mặt với khủng hoảng khí hậu, các nhóm môi trường và ngành thủy điện đồng thuận phối hợp để hỗ trợ thủy điện giảm bớt tác hại từ các con đập.

Đập Hoover trên sông Colorado ở biên giới các bang Arizona và Nevada. (Ảnh: David Walter Banks/ New York Times)

Ngành vận hành đập của Mỹ và một số nhóm môi trường vừa công bố một thỏa thuận bất thường để vừa thu được năng lượng sạch hơn từ thủy điện vừa giảm tác hại môi trường từ các con đập. Chính mối đe dọa biến đổi khí hậu đã thúc đẩy hai bên suy nghĩ lại về cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ quanh một nguồn năng lượng tái tạo lớn nhưng đầy tranh cãi.

Khoảng 7% sản lượng điện năm 2019 của Hoa Kỳ là thủy điện, chủ yếu từ các đập lớn được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, chẳng hạn như đập Hoover sử dụng nước sông Colorado để cung cấp năng lượng cho các tuabin phát điện. Nhưng trong khi các nhà máy này không thải ra khí CO2 làm hành tinh nóng lên thì bản thân các con đập thường gây tàn phá về mặt sinh thái, bóp nghẹt những dòng sông hoang dã và giết chết các quần thể cá.

Hơn 50 năm qua, các nhóm bảo tồn đã hợp lại để ngăn chặn xây dựng bất kỳ đập lớn nào mới trong khi các đề xuất nâng cấp nhà máy thủy điện cũ hơn hoặc xây mới các dự án lưu trữ năng lượng chạy bằng nước thường bị sa lầy trong tranh chấp pháp lý kéo dài về các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thỏa thuận mới báo hiệu mong muốn giảm đà leo thang cuộc chiến kéo dài này.

Trong một tuyên bố chung, hai bên cho biết sẽ hợp tác thực hiện nhiều chính sách cụ thể để tạo ra nhiều điện năng tái tạo hơn từ các đập đã được xây dựng, đồng thời trang bị thêm cho nhiều con đập trong số 90.000 đập hiện có của Hoa Kỳ theo hướng an toàn hơn và giảm thiệt hại sinh thái.

Hai bên cũng sẽ đẩy nhanh việc dỡ bỏ các đập cũ không còn cần thiết nhằm cải thiện sức khỏe các con sông. Hơn 1.000 đập trên khắp nước Mỹ đã bị phá bỏ trong những thập kỷ gần đây.

Chủ tịch American Rivers Bob Irvin – người từ lâu vẫn nhấn mạnh tác hại những con đập gây ra cho các tuyến đường thủy – cho rằng mối quan tâm ngày càng tăng về hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến một số nhà môi trường đánh giá lại sự phản đối lâu nay của họ đối với thủy điện.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu khắc nghiệt hơn rất nhiều, chúng tôi nhận ra rằng cần tạo ra năng lượng không có carbon bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu có thể. Chúng tôi thấy rằng thủy điện có thể thực hiện vai trò này”.

Irvin nhấn mạnh American Rivers sẽ vẫn phản đối mọi nỗ lực xây dựng các con đập mới. Nhưng vẫn còn nhiều chỗ cho thỏa hiệp.

Irvin dẫn ví dụ là sông Penobscot ở Maine. Các nhà môi trường, công ty năng lượng và Penobscot Indian Nation đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2004 để nâng cấp một số đập trên lưu vực sông và quyên tiền để dỡ bỏ hai đập khác đã chặn luồng cá di cư vào đất liền trong hơn một thế kỷ. Kết quả là các công ty thủy điện ở Penobscot vẫn sản xuất lượng điện như trước đây, trong khi cá hồi Đại Tây Dương nguy cấp quay trở lại dòng sông.

Sông Tittabawassee làm ngập khu trung tâm Midland, Mich sau khi đập Edenville gặp sự cố vì mưa lớn. (Ảnh: Tannen Maury/EPA/Shutterstock)

Malcolm Woolf, chủ tịch Hiệp hội Thủy điện Hoa Kỳ cho biết: “Lời hùng biện chắc chắn đã thay đổi và đang trở nên sâu sắc hơn. Giờ đây, chúng tôi sẵn sàng nói về việc dỡ bỏ các đập không có hiệu quả kinh tế và giới môi trường không còn nói rằng thủy điện nào cũng xấu”.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng bổ sung thêm thủy điện có thể là công cụ hữu ích trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Năng lượng gió và mặt trời ngày càng phổ biến nhưng không thể hoạt động 24/24 còn thủy điện có thể hỗ trợ khi các nhà máy dọn dẹp lưới điện.

Về lý thuyết, Hoa Kỳ có tiềm năng thu được nhiều năng lượng hơn từ nước. Một nghiên cứu chuyên sâu của Bộ Năng lượng công bố năm 2016 cho thấy nước này có thể tăng thêm 50% công suất thủy điện mà không cần xây dựng thêm bất kỳ đập lớn nào nữa.

Ngày nay, chưa đến 3% trong số 90.000 con đập ở Hoa Kỳ phát điện. Rất nhiều đập nhỏ được xây dựng để tưới tiêu hoặc kiểm soát lũ lụt có thể được trang bị thêm tuabin để sản xuất điện.

Jose Zayas, cựu quan chức Bộ Năng lượng và là người giám sát nghiên cứu cho biết: “Chúng ta không nói đến đập Hoover cũ. Một số tiến bộ công nghệ vượt bậc cho phép chúng ta sản xuất nhiều năng lượng hơn theo cách bền vững hơn nhiều”. Một số công ty đang thiết kế các tuabin mới cho phép cá đi qua một cách an toàn trong khi những công ty khác đang tìm cách giảm thiểu tình trạng suy giảm oxy trong nước do các con đập gây ra.

Một cách tiếp cận đặc biệt hứa hẹn là xây dựng nhiều nhà máy thủy điện lắp bơm (một công nghệ cũ liên quan đến việc kết nối nước ở hai hồ chứa với độ cao khác nhau). Khi có điện thặng dư trên lưới, các cơ sở này sử dụng nguồn điện đó để bơm nước từ bể chứa dưới thấp lên bể chứa cao hơn. Khi cần điện, chẳng hạn như trong thời gian không có gió hoặc năng lượng mặt trời, nước sẽ chảy ngược xuôi xuống làm quay tuabin để tạo ra điện.

Mặc dù nhiều nhà khai thác lưới điện hiện lắp đặt các dãy pin lithium lớn phục vụ kiểu lưu trữ này, thường thì pin chỉ có thể lưu trữ lượng điện trong 4 – 6 giờ. Một nhà máy thủy điện lắp bơm có khả năng lưu trữ năng lượng trong thời gian dài hơn, cho phép các nhà máy tận dụng nhiều năng lượng mặt trời và gió hơn.

Nhược điểm là các nhà máy khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la này phải đối mặt với những rào cản pháp lý lớn và có thể bị phản đối ngay cả khi không yêu cầu xây mới đập lớn. Trong khi các công ty năng lượng đề xuất hoặc xin phê duyệt để xây dựng các dự án tương đương 50 GW, gấp 30 lần công suất của tất cả các loại pin được kết nối với lưới điện hiện nay thì hầu như không có nhà máy thủy điện lắp bơm nào được xây dựng mới kể từ năm 1995.

Giám đốc điều hành quỹ đầu tư tư nhân US Renewables Group Lee Bailey cho biết: “Các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng với những dự án này vì có rất nhiều rủi ro pháp lý”.

Các nhóm môi trường và ngành thủy điện cho biết sẽ hợp tác để mở rộng thị trường lưu trữ điện cho các nhà máy lắp bơm, khám phá những công nghệ có tác động thấp hơn và các chính sách khuyến khích mới, đồng thời phối hợp để đơn giản hóa quy trình quản lý về nâng cấp và dỡ đập.

Các nhóm cũng thống nhất vận động hành lang cho các chính sách sửa chữa, hoặc trong một số trường hợp là dỡ bỏ hàng nghìn con đập cũ kỹ có nguy cơ vỡ. Tháng 5/2020, lũ lụt làm vỡ 2 con đập ở miền trung Michigan, buộc hàng nghìn cư dân gần đó phải rời bỏ nhà cửa.

Những trận mưa như trút nước do biến đổi khí hậu gây ra đang khiến nhiều con đập có nguy cơ bị vỡ cao hơn. Giới chuyên gia ước tính sẽ tốn hàng chục tỷ USD để sửa chữa và nâng cấp 15.500 đập được phân loại nguy hiểm ở mức cao.

Đạt được nhiều mục tiêu như trên sẽ rất khó khăn, đòi hỏi những thay đổi đáng kể về pháp lý ở cả cấp tiểu bang và liên bang, cũng như nguồn kinh phí lớn. Nhiều đập phục vụ đa mục đích, từ sản xuất điện, kiểm soát lũ lụt, tưới tiêu tới tạo hồ chứa cho những người đi thuyền. Phá bỏ đập cũ hoặc nâng cấp các đập hiện có thường là một quá trình phức tạp đòi hỏi cân bằng nhiều khía cạnh lợi ích.

Hai bên cũng sẽ phải vượt qua di sản là tình trạng đối kháng lẫn nhau lâu nay.

Thậm chí ngày nay, giới môi trường và ngành thủy điện vẫn xung đột về đề xuất mới của chính quyền Donald Trump nhằm sửa đổi các quy định về nước sạch với thủy điện cũng như về các cuộc đàm phán để dỡ bỏ 4 con đập cũ trên sông Klamath ở Oregon và California. Nhiều nhóm bảo vệ môi trường phản đối đập thủy điện từ thế kỷ trước và sẽ mất nhiều thời gian để xoa dịu những căng thẳng đó.

Bob Irvin chia sẻ: “Tôi chắc chắn sẽ không gọi đây là hòa bình. Hai bên sẽ tiếp tục có những khác biệt lớn về chính sách”. Tuy nhiên chủ tịch American Rivers cũng nói thêm rằng thực tế là cả hai bên đồng ý thực hiện một loạt các hành động cụ thể để thúc đẩy năng lượng sạch trong khi giảm tác động sinh thái từ các con đập là “một vấn đề lớn”.

Trong vai trò người tổ chức đối thoại giữa ngành thủy điện và các nhóm môi trường, Dan Reicher (học giả cấp cao của Viện Môi trường Woods và là giám đốc sáng lập Trung tâm Tài chính và Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Stanford) nói rằng không bên nào được lợi từ sự bế tắc hiện nay về thủy điện. Các tranh chấp về pháp lý xung quanh việc nâng cấp đập khiến ngành này khó thu hút đầu tư hơn trong khi cho đến nay giới môi trường chỉ đạt được tiến độ chậm chạp trong việc dỡ bỏ các con đập.

“Điều khác biệt hiện nay là biến đổi khí hậu”, Reicher phân tích. “Ngành thủy điện nhận ra rằng chỉ có thể trở nên thịnh vượng nếu đưa ra được giải pháp quan trọng cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Và cộng đồng bảo tồn cũng nhận ra rằng tình trạng nóng lên toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất mà những dòng sông họ yêu thích phải đối mặt. Nếu nhiệt độ tăng cao làm ngập hoặc làm khô cạn một con sông thì rồi bạn sẽ thực sự làm được gì?”.

Nhật Anh (Theo New York Times)

Nguồn: