Theo dấu lan Hài Việt Nam (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Việc phát hiện ra các loài lan Hài mới của Việt Nam có sự đóng góp rất nhiều của các chuyên gia quốc tế. Song bên cạnh đó, cũng có những “chuyên gia” buôn bán phong lan bất hợp pháp mang “đẳng cấp xuyên quốc gia”. Xin tạm chưa đề cập đến việc các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nỗ lực đưa hình ảnh lan Hài của Việt Nam ra thế giới ra sao, ở đây chỉ bàn về một thực tế không mấy suôn sẻ, ấy là việc các loài lan Hài của Việt Nam đang bị xuất ngoại một cách bất hợp pháp.

Lan Hài xuất ngoại

Tôi từng được biết một công ty liên doanh ở Việt Nam có “thành tích xuất khẩu” lan Hài Việt Nam ra thế giới với chủng loại và số lượng đáng… buồn. Xin nêu ra đây một vài con số về nạn khai thác và xuất khẩu trộm lan Hài ở nước ta đã được công bố, cũng mới chỉ là minh họa một phần nào của thực tế: 6 tấn lan Hài hồng đã được thu và bán ra nước ngoài trước năm 1995; Hàng nghìn cây Hài hằng, Hài hương có mặt ở thị trường Âu Mỹ ngay sau khi loài này được phát hiện; Khoảng 15.000 đến 20.000 cá thể Hài hê len đã bị thu gom và xuất khẩu trong thời gian ngắn của năm 1999.

Những cây lan Hài nhỏ bé, mang vẻ đài các ấy không chỉ bị người ta mang đi theo con đường xuất khẩu qua sân bay, bến cảng, không ít đã bị thu hái ngay vùng giáp biên và vận chuyển qua đường tiểu ngạch qua biên giới Việt Trung, rồi xuất đi các nước Âu Mỹ từ điểm trung chuyển nước bạn. Trong những đường dây buôn bán xuyên biên giới này, người ta thu mua lan Hài rừng đổ xô theo cân, ươm cho ra hoa và rồi bán theo từng cây, từng hoa với giá cây cảnh cao cấp. Một số công ty Đài Loan, Nhật Bản theo cách này mỗi năm thu về cả triệu đô la.

Đặc biệt, người nước ngoài còn săn tìm những cá thể lan Hài biến chủng thuần màu như lan Hài hồng hoa trắng, Hài hương hoa trắng, Hài đốm lá tím đậm, … Để tìm được một vài cá thể như vậy, người ta phải thu hái hàng tạ lan. Trải qua quãng đường vận chuyển xa, dài ngày trong điều kiện khắc nghiệt, những cây lan rừng bị thu hái vô tội vạ không dễ sống sót. Tất cả những điều này đã làm cho nguồn lan Hài rừng Việt Nam cạn kiệt nhanh chóng tới mức đáng sợ.

Chủng đột biến Hài hê len (P. helenae var alba). (Ảnh:Chu Xuân Cảnh)

Số phận hẩm hiu nhất có lẽ là cây Hài việt (P. vietnamense). Có vẻ đẹp tới kỳ lạ, loài cây được gắn tên quốc gia như một niềm tự hào dân tộc. Thế nhưng, khi các nhà khoa học còn chưa kịp công bố phát hiện mới, cây đã bị thu hái hàng loạt và bán ra nước ngoài với số lượng lớn.

Do chỉ có phân bố hạn chế tại một điểm nhỏ ở Thái Nguyên, số lượng cá thể ít, lại bị thu hái càn quét như vậy nên chưa đầy mười năm sau khi phát hiện, loài lan biểu tượng của Việt Nam này đã được coi là tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên (Sách đỏ Việt Nam 2007). Sự tuyệt chủng này, xét về ý nghĩa khoa học, có lẽ cũng đau xót không kém gì việc công bố vĩnh viễn mất đi loài Tê giác một sừng của Việt Nam gần đây.

Cây Hài việt xuất lậu ra nước ngoài được người ta đem lai giống với cây Hài hồng, tạo ra một cây lai cho hoa đẹp theo phong cách Á Đông, được đặt tên là Hài Hồ Chí Minh. Hình ảnh cây Hài mang tên Bác thậm chí còn được đưa vào bộ tem của Cộng hòa Djibouti, một quốc gia Đông Phi, để ca ngợi vẻ đẹp thế giới tự nhiên. Song, loài cây lai này đã lại không được chính thức công nhận và đăng ký, bởi vì cây gốc bố mẹ của chúng là cây xuất khẩu bất hợp pháp từ Việt Nam.

Trong một nghiên cứu của mình năm 2003, Averyanov L., một chuyên gia người Nga nghiên cứu lâu năm về lan Hài của Việt Nam, đã cảnh báo tiếp theo sự tuyệt chủng của lan Hài việt sẽ là một loạt các loài lan Hài khác hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong đó sẽ có Hài vân (P. callosum), Hài hồng (P. delenatii), Hài tía (P. purpuratum), và cả loài Hài hương lan (P. emersonii) của Tuyên Quang mà phân bố của loài phần lớn nay đã bị chia cắt và ngập trong làn nước của hồ thủy điện Na Hang.

Tất cả các loài lan Hài của Việt Nam đều nằm trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Điều này có nghĩa là việc xuất khẩu các loài lan Hài phải được thông qua Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.

Dĩ nhiên, cơ quan quản lý nhà nước này không bao giờ cho phép xuất khẩu lan Hài thu hái trực tiếp từ rừng. Vậy mà hàng nghìn cây, hàng tạ lan rừng vẫn lọt lưới nhà chức trách để tuồn đi khắp ngả. Nguồn gen lan Hài, tài sản quí giá của quốc gia, trong nhiều năm qua đã chảy máu với tốc độ đáng báo động, đổ về tư thương nước ngoài.

Chơi lan và trồng lan

Ở Việt Nam có nhiều người trồng lan, cũng có nhiều hội hoa lan ở các địa phương, và lan Hài dễ là nhóm lan được những người chơi ưa thích. Với am hiểu và nỗ lực của mình, các hội viên chơi lan đã đóng góp không nhỏ để tìm ra các kỹ thuật nuôi trồng, thuần dưỡng những loài lan rừng quí báu. Một số người chơi lan cũng chính là những nhà nghiên cứu, góp phần phát hiện ra các loài lan Hài mới cho khoa học.

Song, khách quan mà nói, việc chơi lan đã thúc đẩy thêm nạn khai thác, buôn bán lan từ tự nhiên, do người chơi thường đề cao hưởng thụ thẩm mỹ nhưng lại coi nhẹ giá trị bảo tồn loài cây mà mình sưu tầm.

Thường với người chơi lan nước ngoài, khi mua được một cây lan rừng, họ tìm cách nhân nó lên để duy trì thú chơi lâu dài. Còn với đa phần người chơi lan trong nước, kỹ thuật chăm vốn đã không đầy đủ khiến cây dễ bị bệnh và chết, người ta cũng không quan tâm đến việc nhân và giữ giống. Mất đi cây này ra chợ mua cây khác, bởi việc mua bán dễ dàng quá. Về phần người bán lan, vì bán đắt hàng thu được nhiều tiền nên càng có thêm động cơ để tiếp tục săn lùng lan rừng để bán.

Không như những loài cây cảnh khác, phong lan nói chung và nhất là lan Hài có khả năng nhân giống sinh dưỡng rất thấp. Trong tự nhiên, cây chủ yếu sinh sôi nảy nở từ những hạt lan nhỏ bé như bụi nhờ sự cộng sinh với các loài nấm trong đất. Trong điều kiện nuôi trồng, cần có sự trợ giúp của công nghệ sinh học thì những hạt lan này mới có thể nảy mầm thành cây con.

Lan Hài hen ry (P. henryanum) ra quả trong tự nhiên (Ảnh: Minh Xuân)

Trong nước đã có một số cơ sở nghiên cứu nhân giống thành công lan Hài như Phân viện sinh học Đà Lạt nuôi cấy mô loài Hài hồng, Viện Ứng dụng Công nghệ (Hà Nội) với Hài hằng, Hài đuôi công. Có điều, chưa cơ sở nào có thể bán lan Hài một cách thương mại từ cây được nhân giống cả. Cái giá quá rẻ của lan rừng làm cho cây sản xuất công nghiệp không bán nổi ở thị trường trong nước. Tiềm năng xuất khẩu thì càng xa vời hơn vì không thể cạnh tranh được với công nghệ của các công ty nước ngoài và khó vượt qua rào cản CITES.

Trải qua nhiều thập kỷ, nay đã thành một nghịch lý, Việt Nam là cái nôi của lan Hài nhưng những người trồng lan Việt Nam, chưa nói đến những người dân địa phương nơi có lan rừng tự nhiên sinh sống, hầu như không được hưởng lợi gì từ nguồn gen độc đáo của nước nhà. Điệp khúc thu hái – bán rồi lại thu hái – bán nhanh chóng “ném qua cửa sổ” những viên ngọc quí của núi rừng. Rừng núi vắng bóng lan Hài không khác nào mỹ nhân bị cướp đi đôi mắt!

Để thất thoát những nguồn gen quí nghĩa là mất đi bản sắc, mất đi giá trị cuộc sống hôm nay và tương lai!