Ấn Độ đau đầu vì nhà vệ sinh khép kín gây ô nhiễm

ThienNhien.Net – Bà Chaibi Swain (52 tuổi), người làng Aaruha, bang Odisha cho hay nhà bà là một trong số ít hộ gia đình ở bang Odisha có nhà vệ sinh khép kín. Cứ 9 người dân ở khu vực này thì có 8 người vẫn đang sử dụng nhà vệ sinh lộ thiên.

Tuy nhiên, tại khu vệ sinh chật hẹp của gia đình bà Swaim, do không có hệ thống xử lí nên chất thải chỉ được chứa trong một cái hố. Điều đáng lo ngại là hố chất thải này được đào ngay cạnh giếng nước, tạo cơ hội cho các vi khuẩn gây bệnh ngấm qua đất và “đột nhập” vào nguồn nước sinh hoạt. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi mùa mưa tới, mực nước sông Madhanadi và mực nước ngầm ở Aaruha dâng cao. Lúc này, chính khu nhà vệ sinh lại trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe của cả gia đình.

Gia đình bà Swain không phải là trường hợp duy nhất đang gặp phải tình trạng này. Theo Swachch Bharat Mission (SBM) – một chiến dịch của Ấn Độ nhằm chấm dứt hoàn toàn thực trạng sử dụng nhà vệ sinh lộ thiên vào năm 2019, chỉ riêng khu vực bang Odisha đã có khoảng 1,3 triệu hố chất thải. Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo rằng ở nhiều khu vực thuộc bang Odisha như Ganjam, Balasore và Puri, các hố chất thải thường được xây dựng mà không có biện pháp an toàn ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Một phụ nữ lấy nước sinh hoạt từ vòi nước gần nhà vệ sinh ở Dhenkenal, bang Odisha.
Một phụ nữ lấy nước sinh hoạt từ vòi nước gần nhà vệ sinh ở Dhenkenal, bang Odisha.

Đối với những vùng ven biển như Puri, nơi dễ bị ngập úng, các biện pháp an toàn đề ra bao gồm việc xây dựng các hố chất thải cách xa nguồn nước sinh hoạt 10 m, đồng thời xây miệng hố cao hơn mặt đất để tránh nước lũ tràn vào, và bịt chặt đáy hố ngăn không cho các tác nhân gây bệnh thoát ra ngoài. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn phớt lờ các biện pháp kể trên.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ở những nơi có mực nước ngầm ở tầng cao, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy có khả năng di chuyển trong phạm vi hơn 150m để xâm nhập vào các giếng nước sâu, vốn được cho là an toàn hơn giếng nước nông và ao hồ. Ở những làng đông đúc, các hộ gia đình không có đủ diện tích đất để xây dựng hố chất thải cách xa nguồn nước.

Cho đến nay, Ấn Độ mới chỉ xây dựng được khoảng 19 triệu nhà vệ sinh cho các vùng nông thôn. Như vậy, trong vòng 3 năm tới, quốc gia này vẫn còn phải xây dựng thêm 92 triệu nhà vệ sinh nữa thì mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Ấn Độ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm đạt chỉ tiêu về số lượng thay vì chất lượng.

Không chỉ Odisha mà các bang khác như Bihar, Uttar Pradesh và Jharkhand cũng đang gặp phải vấn nạn trên, cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang lan rộng và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng biện pháp an toàn chỉ có thể làm giảm thiểu chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn mối đe dọa từ vi khuẩn gây bệnh với nguồn nước sinh hoạt. Không chỉ thế, nguồn nước sinh hoạt tại Puri vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nhà vệ sinh được xây dựng từ trước đó. Do vậy thực trạng ô nhiễm vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi các khu vệ sinh này được dỡ bỏ và thay thế.

Tuy nhiên, ông Sandy Cairncross – nhà nghiên cứu tại Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London – cho rằng người dân Ấn Độ không cần quá lo ngại đến mức bỏ dùng nhà vệ sinh khép kín. Vấn đề này có thể được cải thiện bằng cách lắp đặt đường ống dẫn nước đến các bản làng. Nhờ đó, người dân có thể dùng nước máy thay vì nước giếng khoan và ao hồ. Ngoài ra, việc phổ biến cho người dân cách giám sát chất lượng nhà vệ sinh của chính họ cũng là một biện pháp được đề xuất.