Cơ sở làng nghề buộc phải di dời nếu không xử lý được ô nhiễm

ThienNhien.Net – Theo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường làng nghề vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao nếu không thể áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn thì phải di dời vào cụm, khu công nghiệp hoặc khu chăn nuôi, sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư. Trước 01/01/2017, nếu không thể di dời thì buộc phải chấm dứt hoạt động.

Cũng theo nội dung Thông tư, các cơ sở trong làng nghề sẽ được phân chia theo 3 loại hình sản xuất và tiềm năng gây ô nhiễm, gồm nhóm A (cơ sở có tiềm năng gây ô nhiễm thấp), nhóm B (có một hoặc một số công đoạn sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm cao), nhóm C (có tiềm năng gây ô nhiễm cao). Đối với nhóm B, C, không được phép thành lập mới những công đoạn gây ô nhiễm trong khu dân cư, nếu đang hoạt động thì phải xử lý theo đúng quy định.Việc rà soát, phân loại phải hoàn thành trước 31/12/2013.

(Ảnh minh họa: vov.vn)

Về việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, các cơ quan chức năng cần thống kê tổng lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại; phân tích thành phần và hàm lượng chất ô nhiễm, quan trắc chất lượng môi trường xung quanh…

Đối với các cơ sở đang hoạt động, nếu chưa được phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường thì phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định một số chính sách ưu đãi đối với các cơ sở, làng nghề được công nhận cũng như trách nhiệm của các bên liên quan (cơ sở, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, ủy ban nhân dân các cấp xã, huyện, tỉnh, sở tài nguyên môi trường) trong việc thực hiện Thông tư.

Thông tư bao gồm 4 chương, 19 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2012.