Vật hiến sinh vì công cuộc chinh phục vũ trụ

ThienNhien.Net – Năm 1969, khi hình ảnh phi hành gia người Mỹ Neil Amstrong đặt những bước đầu tiên lên mặt trăng được truyền đi, cả thế giới hân hoan đón mừng kỷ nguyên mới – kỷ nguyên loài người chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau thành công vĩ đại ấy có sự hy sinh thầm lặng của nhiều loài vật.

Tinh tinh được huấn luyện ở căn cứ không quân Holloman để du hành vũ trụ (Ảnh: Ralph Crane/Time Life Pictures)

Khỉ, tinh tinh, chó và nhiều loài vật khác đã trở thành những vật hiến sinh cho sự phát triển của khoa học vũ trụ ngày nay. Trong buổi bình minh ấy, các nhà khoa học đã phải đối mặt với quá nhiều sự mơ hồ và hoài nghi. Họ không thể biết chắc chắn các sinh vật sống sẽ như thế nào khi ra khỏi bầu khí quyển, chịu ảnh hưởng ra sao trong trạng thái không trọng lượng hay thích ứng như thế nào trước các tia bức xạ mặt trời. Bản thân con người cũng không đủ mạo hiểm để tham gia những chuyến chinh phục đầy phiêu lưu và toàn những dấu hỏi . Họ đã lựa chọn các con vật cho các cuộc thử nghiệm.

Ngày nay, nhiều người tin rằng ngoài không gian bao la kia vẫn còn tồn tại nhiều con tàu vũ trụ trôi nổi, trong có chứa xác những con vật hiến sinh. Khi một con tàu nào đó được phóng đi và không thể quay trở lại trái đất, sẽ chẳng có cơ hội sống sót nào cho những con vật thế thân ấy. Và trong những buổi chập chững của ngành khoa học vũ trụ, người ta đã không thể tránh khỏi sai sót.

Những động vật đầu tiên bay vào không gian

Năm 1947, lần đầu tiên một tàu vũ trụ chứa sinh vật được phóng vào không gian. Sinh vật được lựa chọn rất thú vị, đó là loài ruồi dấm. Sau khi bay cách bề mặt trái đất khoảng 102 dặm, con tàu này đã quay về khá bình yên.

Một năm sau, Phòng Thí nghiệm Hàng không của Mỹ bắt đầu thử nghiệm với những loài động vật lớn hơn. Ngày 11/ 6/1948, tên lửa V-2 Blossom được phóng vào không gian cùng với chú khỉ nâu có tên Albert I. Đáng tiếc là Albert đã chết vì nghẹt thở. Để tưởng nhớ chú khỉ này, tên của chú đã được dùng cho tất cả hững chú khỉ trong các cuộc thử nghiệm vũ trụ sau này – “Kế hoạch Albert” hình thành từ đó.

Mặc dù vậy, những cuộc thử nghiệm này đều thất bại và các chú khỉ đã không thể sống sót. Đáng chú ý nhất là chú khỉ  Albert II, chú đã sống sót trong suốt hành trình bay nhưng lại chết khi con tàu trở lại Trái Đất.

Không ngừng ở đây, sứ mệnh chinh phục không gian của loài người vẫn liên tục phát triển với nhiều cuộc thử nghiệm mới trong những năm 1950. Ở thời kỳ này, chú chó Laika đã xuất hiện và trở thành con vật hy sinh vì ngành khoa học vũ trụ nổi tiếng và được yêu quý nhất.

Chú chó Laika ở trong Sputnik II trước khi phóng đi (Ảnh: Keystone/Getty Images)

Laika (tên thật của chú là Kudryavka)  là một chú chó cái lai Siberia 3 tuổi, nặng 16kg. Chú được lựa chọn để bay vào không gian cùng với con tàu Sputnik II của Nga (Liên Xô cũ). Sự kiện này chỉ diễn ra một tháng sau khi Liên Xô khiến cả thế giới kinh ngạc bằng việc phóng thành công Sputnik I.

Tuy nhiên, người ta cho rằng Nga đã quá phấn chấn với thành công của Sputnik I, để rồi vội vã phóng Sputnik II đi trong khi các thiết kế của con tàu vẫn còn nhiều thiếu sót. Laika đã không thể trở về vì Sputnik II đã tự bốc cháy khi ra khỏi bầu khí quyển.

Người ta đã trấn an dư luận rằng Laika sống được khoảng 4 ngày trong quỹ đạo trước khi bị thiêu nóng, nhưng cho tới năm 2002, nhiều bằng chứng đã cho thấy Laika đã chết vì quá nóng và hoảng sợ chỉ vài giờ sau khi phóng Sputnik II.

Với cái chết của Laika, dư luận Mỹ bấy giờ đã có dịp để lên án công khai hơn việc con người đối xử tàn nhẫn, bất công với các loài động vật. Còn đối với người Nga, thất bại của Sputnik II cũng được coi là một sự cố về truyền thông.