Các nhà khoa học Trung Quốc lo lắng về suy giảm ĐDSH các dòng sông

ThienNhien.Net – Trong số nhiều điều mà người ta còn ít biết về vùng đầu nguồn sông Mê Kông, có một vấn đề nằm trong sự trăn trở của chính các nhà khoa học sở tại – đó là sự suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học của những dòng sông chảy trên đất nước Trung Hoa trước sức ép của các dự án phát triển, đặc biệt là đập thủy điện. Là một đất nước sở hữu nhiều đập thủy điện lớn, Trung Quốc cũng đang chứng kiến những thay đổi về sinh thái sông ngòi mà các con đập này mang lại. Tạp chí Sông ngòi Thế giới số mới ra có đăng bài phỏng vấn Tiến sĩ Zhou Dequn, giảng viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh, về chủ đề này.

– Thưa tiến sĩ, ông sẽ nói gì về sự mất mát đa dạng sinh học đang diễn ra tại các dòng sông của Trung Quốc?

TS. Zhou Dequn: Phải thừa nhận là cho đến nay hiểu biết của chúng tôi về vấn đề này còn tương đối hạn chế. Chúng tôi mới tập trung vào công tác nghiên cứu và giám sát ở một số dòng sông chính. Chẳng hạn, Viện Sinh vật học thủy sinh thuộc Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Hoa tại Vũ Hán từ lâu đã nghiên cứu và theo dõi hệ sinh vật trên sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử). Họ cũng đã thiết lập hệ cơ sở dữ liệu về các loài thủy sinh của Trung Quốc. Nhìn chung, các dòng sông trên đất nước chúng tôi đang phải hứng chịu sự suy giảm đa dạng sinh học nặng nề.

Có thể nhận thấy điều này nếu nhìn vào sông Dương Tử, con sông lớn nhất Trung Hoa. Sự phát triển nhanh chóng của các khu kinh tế ven sông Dương Tử đã làm suy giảm tài nguyên sinh học của dòng sông, đe dọa nghiêm trọng các loài thủy sinh. Cá heo sông Dương Tử nay gần như biến mất khỏi tự nhiên.

Đáng buồn là hiện chúng tôi còn thiếu các tiêu chuẩn về bảo tồn cũng như nguồn kinh phí để bảo vệ hệ sinh thái sông ngòi. Một chuyên gia của Ủy ban Quản lí Tài nguyên Ngư nghiệp Trường Giang từng chia sẻ rằng sông Dương Tử từng là nơi sinh sống của hơn 1100 loài sinh vật, bao gồm hơn 370 loài cá, hơn 220 loài sinh vật đáy và hàng trăm loài thực vật thủy sinh. Sông cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài cá quý hiếm và nhiều loài động vật hoang dã. Nhưng nay nguồn tài nguyên này đang suy giảm nghiêm trọng và rất nhiều loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Hai loài cá heo sông Dương Tử và cá tầm thìa Trung Quốc gần như không còn nhìn thấy ngoài tự nhiên. Loài cá trích Reeve nổi tiếng cũng đã biến mất từ nhiều năm nay. 4 loài hàng đầu thuộc họ chép nổi tiếng Trung Quốc cũng bắt đầu giảm mạnh từ năm 2003.

Khỉ mũi hếch Vân Nam (Ảnh: Guardian)

– Tác động của đập Tam Hiệp đối với đa dạng sinh học đã được nhìn nhận ra sao?

TS. Zhou Dequn: Tôi nhìn nhận có những sai lầm ngay từ khâu thiết kế con đập này. Chúng tôi đã nhìn nhận kinh nghiệm xây cầu thang cá từ các phát triển. Khi quyết định xây đập, chính phủ hoàn toàn không tham khảo ý kiến của các chuyên gia hay tổ chức bất cứ một buổi tham vấn nào.

Thực tế, con đập này đã chặn đường di cư của nhiều loài cá khiến chúng không thể sinh sản được. Vì thế, số lượng các loài động vật thủy sinh quý hiếm như cá heo sông Trung Hoa, cá tầm thìa Trung Hoa, cá tầm sông Dương Tử, cá lược và cá đối đã suy giảm nghiêm trọng. Kết quả là, chiến lược “biến sông thành hồ chứa” đã làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái sông Dương Tử.

Bên cạnh đó, đập Tam Hiệp cũng làm giảm sản lượng cá đi rất nhiều. Khi hồ chứa thủy điện Tam Hiệp bắt đầu tích nước, mực nước trong hồ Động Đình (Dongting) đã giảm từ 1-2 m, cá thu đao từng sinh sống rất nhiều ở hồ Bà Dương (Poyang) cũng biến mất. Trong trận hạn hán mùa hè năm 2010, hàng nghìn ngư dân dọc lưu vực sông Dương Tử gần như không bắt được con cá nào.

– Xin ông chia sẻ một chút về  ý nghĩa đa dạng sinh học vùng Tam Giang Tịnh Lưu?

TS. Zhou Dequn: Tam Giang Tịnh Lưu là vùng đầu nguồn của ba dòng sông nổi tiếng châu Á: sông Kim Sa (Dương Tử), sông Lan Thương (Mekong) và sông Nộ (Salween – bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan). Những con sông này chảy song song với nhau từ Bắc tới Nam, xuyên qua những thũng lũng sâu 3000 m và cả các đỉnh băng cao tới 6000 m. Đây là khu vực có hệ sinh vật đa dạng nhất Trung Quốc, đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Tam Giang Tịnh Lưu còn là nơi sinh sống của hơn 210 họ, 1200 giống sinh vật và 6000 loài thực vật có mạch – chiếm 20% tổng số các loài thực vật bậc cao của Trung Quốc, 40% trong số đó là loài đặc hữu của Trung Quốc và 10% loài đặc hữu của vùng Tam Giang Tịnh Lưu.

Hơn nữa, đây cũng là nơi thảm thực vật có mật độ loài cao nhất thế giới. Với lịch sử kiến tạo địa chất phức tạp, sự tồn tại đồng thời nhiều loài sinh vật cũ và mới, nơi đây trở thành ngôi nhà chung của một số loài thực vật nổi tiếng nhất của thế giới.

Hiện tại ở Khu bảo tồn Tam Giang Tịnh Lưu có khoảng 77 loài động vật quý hiếm và bị đe dọa tuyệt chủng như voọc mũi hếch, linh dương, báo tuyết, sếu cổ đen… bên cạnh đó là 33 loài thực vật được pháp luật bảo vệ và khoảng 500 loài cây thuốc đã được ghi nhận.

Voọc mũi hếch Vân Nam là hình ảnh tượng trưng của vùng di sản thiên nhiên thế giới này. Đây là một nhóm linh trưởng rất đặc biệt, chúng có một vị trí chuyển tiếp rất quan trọng giữa nhóm khỉ cổ đại và nhóm khỉ hình nhân, có ý nghĩa lớn trong các nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người. Voọc mũi hếch là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp của thế giới và cần được nhìn nhận là báu vật của quốc gia.

Dự đoán chính xác tác động của sự tuyệt chủng một loài sinh vật nào đó đối với hệ sinh thái là một việc hết sức khó khăn bởi sự ảnh hưởng này chỉ lộ diện sau một thời gian rất dài. Minh chứng tốt nhất cho tác động này chính là “hiệu ứng cánh bướm”: Những cái vỗ cánh của một con bướm ở rừng Amazon có thể gây nên một cơn lốc xoáy ở Texas rất xa đó.

Một góc Tam Giang Tịnh Lưu (Ảnh: hiddenchina.net)

– Tính độc nhất vô nhị của vùng sông Nộ Giang thể hiện như thế nào, thưa tiến sĩ?

TS. Zhou Dequn: Thung lũng Nộ Giang là hành lang sinh học quan trọng nhất đại diện cho tính đa dạng sinh học của vùng Tam Giang Tịnh Lưu. Nếu người ta xây dựng đập trên dòng sông Nộ, những bí ẩn thiên nhiên cùng với những kỳ quan tuyệt đẹp của thung lũng này sẽ biến mất trước khi con người kịp nhận thức và nghiên cứu đầy đủ những giá trị của nó.

Bởi lẽ, dòng sông Nộ chạy qua các hẻm của dãy Hoành Đoạn. Dãy núi này tạo vành đai khí hậu, điều kiện thuận lợi cho các loài động thực vật phát triển. Đây cũng là khu bảo tồn quan trọng nhất trong số 17 khu bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc. Có vô số loài thủy sinh sống phụ thuộc vào sông Nộ Giang trong đó có hơn 50 loài cá đặc hữu của Vân Nam và khoảng 20 loài độc đáo.

Ngoài ra, sông Nộ còn là nơi sinh sống của nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các loài thú sống gắn với sông nước (như rái cá). Những loài động vật này phụ thuộc lẫn nhau bởi vì chúng đã cùng tiến hóa trong suốt quá trình kiến tạo các thung lũng và dòng sông này. Chúng chứa đựng những thông tin địa chất và lịch sử tự nhiên vô giá của toàn bộ khu vực Đông Himalaya.

– Hiện tại, Trung Quốc đang làm gì để bảo vệ đa dạng sinh học lưu vực sông này?

TS. Zhou Dequn: Các nhà quản lý đã bắt đầu quan tâm tới tầm quan trọng của đa dạng sinh học. Ở Nộ Giang, chính quyền đã thông báo sẽ đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền nhằm bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học lưu vực Nộ Giang. Họ cũng đã đưa ra các biện pháp quản lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên thích ứng với nhu cầu quản lý bảo tồn đa dạng sinh học hiện đại. Song, tôi cho rằng ngoài những điều này, cần xây dựng một Trung tâm Bảo vệ Đa dạng sinh học sông Nộ Giang và các trung tâm giáo dục cộng đồng.

Về phía khoa học, các chuyên gia vẫn đang theo dõi sát sao đa dạng sinh học vùng Nộ Giang. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Hoa, Đại học Vân Nam và một số trường đại học quốc gia khác, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế và một vài tổ chức môi trường nội địa đã có những nghiên cứu sâu các đề tài về đa dạng sinh học vùng thung lũng sông Nộ và đề xuất nhiều biện pháp bảo tồn khác nhau. Tuy nhiên, vẫn cần có những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện trên toàn bộ lưu vực sông.

Đáng ghi nhận là nhờ có những tổ chức phi chính phủ về môi trường, cuộc tranh luận về dự án thủy điện Nộ Giang kéo dài từ năm 2003 đến 2005 đã gây được nhiều chú ý, cuối cùng chính phủ đã phải đình chỉ xây dựng đập thủy điện này. Đây là lần đầu tiên tiếng nói và hành động của các tổ chức phi chính phủ nội địa ảnh hưởng trực tiếp tới việc ra quyết định của chính quyền trung ương. Khó có thể khẳng định được sau này người ta có xây dựng thủy điện nào trên dòng Nộ Giang hay không. Tuy nhiên, những nỗ lực và đóng góp của các tổ chức môi trường luôn là một yếu tố quan trọng để hướng tới một xã hội Trung Quốc văn minh, hiện đại.