Nên thu phí bảo vệ môi trường đối với xe máy

ThienNhien.Net – Trong bài viết Một số vấn đề về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải ở nước ta, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thắng và Nguyễn Thị Vân Anh của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất một số giải pháp xây dựng chính sách về phí BVMT đối với khí thải ở Việt Nam.

Xe máy là đối tượng có thể phải chịu phí BVMT (Ảnh: Đất Việt)

Theo bài viết, mức phí BVMT đối với khí thải, quy định tại Dự thảo hiện đang được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng, được đánh giá là thấp và không rõ được xây dựng trên cơ sở nào. Các tác giả bài viết đề xuất, mức phí cần phải bằng chi phí cần thiết để xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn, và cần phải nghiên cứu chi phí xử lý khí thải ở các ngành công nghiệp, các loại hình phương tiện giao thông khác nhau để đưa ra được mức phí.

Thứ hai, hiện nay ở nước ta đã có phí xăng dầu, và dự kiến có thuế môi trường đối với xăng dầu từ 01/01/2012, nên phí BVMT đối với khí thải được thu đối với từng phương tiện là hợp lý. Tuy nhiên, nên xem xét việc xác định mức phí đối với phương tiện giao thông thông qua các hệ số phát thải.

Các nhà nghiên cứu trên cũng đồng thời đề xuất dự thảo Nghị định nên nghiên cứu xem xét việc thu phí BVMT đối với xe máy, bởi vì tuy xả thải ít, song với số lượng lên tới gần 30 triệu xe ở nước ta là một nguồn thải đáng kể, đặc biệt là các khu vực đô thị. Giả sử mỗi năm thu 50.000đ/xe máy thì số tiền thu được cũng sẽ lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng, sẽ là một số tiền đáng kể cho công tác BVMT.

Ngoài ra, việc xác định khối lượng chất gây ô nhiễm từ các nguồn thải cố định được đề xuất nên chia theo 3 loại: Đối với các nguồn thải lớn, như các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy xi măng, hóa chất, thực hiện quan trắc, đo trực tiếp để xác định khối lượng khí gây ô nhiễm; đối với các nguồn thải trung bình, nên tính thải lượng theo hệ số phát thải đối với các loại thiết bị, nồi hơi; đối với các nguồn thải nhỏ, việc phát thải không gây ảnh hưởng lớn, nên tính một mức phí cố định và có thể thu hàng năm.

Việc phân bổ nguồn phí thu được có thể nghiên cứu, xem xét áp dụng kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc trả lại phí cho các cơ sở đã thực hiện việc xử lý khí thải để khuyến khích các cơ sở đầu tư các thiết bị xử lý khí thải.

Cuối cùng, chính sách thu phí BVMT đối vói khí thải nên áp dụng thí điểm tại một số địa phương trước khi ban hành áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Bài viết được đăng tải trên Tạp chí Môi trường 10/2011.