“Lá phổi xanh” của Hà Nội đang chịu nhiều sức ép

ThienNhien.Net – Chưa một thủ đô nào có một vườn quốc gia (VQG) hội tụ sự đa dạng sinh học cao, đồng thời lại giàu có cả về địa chất, khoáng sản… như Hà Nội, song thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phát triển khu du lịch sinh thái, xây dựng, tu bổ đền… ở VQG Ba Vì đang khiến dư luận lo ngại về những tác động đến đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Đó là những nhận định được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp bảo vệ môi trường VQG Ba Vì” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban Phản biện xã hội của VACNE, năm 2002, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch triển khai thử nghiệm 6 dự án resort du lịch dưới tán rừng quốc gia do VQG Ba Vì quản lý, bao gồm: Thiên Sơn – Thác Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa, Tiên Sa và dự án của Hội Cựu Chiến Binh. Các dự án này hiện đã đi vào hoạt động và được cảnh báo có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến diện tích đất rừng của Vườn. Trong khi đó, 23 điểm có khả năng phát triển du lịch dưới tán rừng cũng đã được quy hoạch.

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE bên suối ô nhiễm thuộc khu cực mỏ pyrite Minh Quang. Ảnh : VACNE

Ngoài các dự án du lịch, theo các nhà khoa học của VACNE thì dự án trùng tu Đền Trung, chùa Tản viên (nằm ngay trên code 350 trong phân khu phục hồi sinh thái VQG Ba Vì) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt hồi tháng 9.2011 cũng đang gây sạt lở lấn vào đất rừng do quá trình trùng tu buộc phải xây dựng đường xe cơ giới lên đền.

Ngoài việc triển khai các công trình thủy lợi lớn như Đồng Xô, Vai Xô gây tranh cãi giữa đơn vị thi công và người dân vì các con đập được cho là nguyên nhân gây thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu; các hoạt động khai thác khoáng sản trước đó cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ví như mỏ pyrite Minh Quang hiện không còn hoạt động nữa, nhưng nhiều hố sâu lẫn quặng thải vẫn chưa được hoàn thổ, nước thải ở mỏ đỏ như máu do giàu sắt và axit sulphuric; nước rỉ từ mỏ có độ ph rất thấp (khoảng 2-3) và có thể chứa asen. Mỏ amiang ở xóm Quýt thuộc xã Yên Bài thuộc Vườn quốc gia Ba Vì đã khai thác xong cũng ở trong tình trạng không được hoàn thổ.

Đưa ra những quan ngại về tác động của quá trình phát triển kinh tế – xã hội tới môi trường cảnh quan tại VQG Ba Vì, các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo cũng đưa ra các kiến nghị, giải pháp để ngăn chặn thực trạng trên. Theo đó, cần quy hoạch các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi thuộc vùng núi Ba Vì một cách tổng thể, dựa trên luận cứ khoa học đầy đủ, kết hợp hài hòa với việc bảo vệ tài nguyên sinh vật các cảnh quan độc đáo vốn có của VQG Ba Vì và vùng đệm. Ngoài ra, cần dừng ngay, cấm hẳn việc cho xe ủi đất, đào bới khu vực VQG vì bất cứ mục đích gì; các dự án đắp đập Vai Xô và Đồng Xô phải do người dân giám sát và quản lý; phục hồi lại nguyên trạng dòng suối đã bị hủy hoại và cảnh quan, đồng ruộng…