Các nước tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 4 (GMS – 4 diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, các bên đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường.

Phiên họp kín của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam khẳng định lại cam kết hợp tác khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và quyết tâm mạnh mẽ hướng tới giai đoạn tiếp theo của các hành động chung như đã chỉ ra ở khung chiến lược mới.

Đồng thời, các nước GMS thống nhất thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc sử dụng công nghệ thân thiện với khí hậu và đáp ứng các yêu cầu về giới; đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững cũng như an toàn và an ninh lương thực. Tuyên bố chung nhấn mạnh, Khung Chiến lược 10 năm GMS (2012-2022) cần tiếp tục quan tâm tới sự cân đối giữa phát triển và vấn đề môi trường…

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị GMS – 4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết bên cạnh các vấn đề kinh tế; các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tăng cường bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ….

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất đưa thêm việc sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông vào chương trình hợp tác GMS.

Trong những năm gần đây, đặc biệt thời gian qua lũ lụt đã xảy ra trên phạm vi lớn, gây hậu quả nặng nề không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Campuchia, Việt Nam, Lào. Đây chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chung nhưng cũng bắt nguồn từ việc quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mê Kông có vấn đề.

Hiện nay, nguồn nước này đang có nguy cơ sử dụng không thống nhất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với các nước ở vùng hạ lưu. Vì vậy, việc đề nghị các nước ở thượng nguồn và hạ nguồn tham gia vào việc đưa ra những khung hợp tác trong quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mê Kông là một vấn đề hết sức quan trọng và cơ bản mà Chính phủ Việt Nam cũng như Chính phủ một số nước đề nghị đưa vào khung khuôn khổ hợp tác này. Mặc dù đề xuất này hiện nay chưa được đưa vào chương trình chính thức nhưng đã nhận được nhiều tiếng nói đồng thuận. Các nhà lãnh đạo của GMS cũng nhấn mạnh, việc sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển chung của khu vực.