COP 17: Thỏa thuận mới không thể đẩy lùi thảm họa khí hậu

ThienNhien.Net – Kết thúc các cuộc đàm phán sau 14 ngày thay vì 12 ngày như dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 17 (COP 17) tại Durban (Nam Phi) cuối cùng cũng đã phần nào tìm được tiếng nói chung thông qua một lộ trình hướng tới thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các nước trong vấn đề cắt giảm khí thải. Kết quả này có vẻ như đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của nhiều người, song suy cho cùng, Hội nghị vẫn tiếp tục bỏ ngỏ những vấn đề hóc búa, cấp thiết và quan trọng nhất cho mục tiêu đẩy lùi biến đổi khí hậu.

Kết quả khiêm tốn…

Biến đổi khí hậu không loại trừ bất cứ quốc gia nào (Ảnh minh họa: Pixmule.com)

Kết quả cuối cùng của COP 17 thể hiện bằng một văn kiện tổng kết quan trọng mang tiêu đề Durban Platform for Enhanced Action (Tạm dịch: Khung hành động Durban). Theo đó, tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ cam kết về một hiệp định ràng buộc pháp lý đối với việc cắt giảm lượng phát thải dự kiến được thông qua vào năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2020.

Nói cách khác, như lời của Bill Hare, Lãnh đạo Nhóm Phân tích Khí hậu (CA) – một tổ chức phi lợi nhuận của Đức, qua COP 17, các chính phủ đã mở lại cánh cửa hướng tới một hiệp định toàn cầu ràng buộc về pháp lý, cánh cửa mà nhiều người từng nghĩ rằng đã khép lại tại Copenhagen (Đan Mạch) từ năm 2009.

Văn kiện Durban Platform for Enhanced Action không chỉ làm hài lòng Hoa Kỳ, quốc gia vốn luôn nuôi hy vọng lôi kéo Trung Quốc, Ấn Độ tham gia vào một hiệp định giảm thải toàn cầu; mà còn đáp ứng yêu cầu không tham gia vào bất cứ hiệp định toàn cầu nào đến tận năm 2020 của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tỏ ra hài lòng vì thỏa thuận đã thiết lập sự công bằng về trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và thậm chí, văn kiện Durban còn thỏa mãn kỳ vọng của Liên minh Châu Âu (EU), vốn sẵn sàng gia hạn Nghị định thư Kyoto hiện tại để đổi lấy một hiệp định ràng buộc pháp lý toàn cầu có hiệu lực vào năm 2020.

Như vậy, sẽ có một giai đoạn cam kết thứ hai cho Kyoto nhằm duy trì Nghị định thư này dưới hình thức một hiệp định tạm thời trước khi các nước tiến hành thương lượng về một thỏa thuận mới. Thời điểm kết thúc giai đoạn cam kết thứ hai – là năm 2017 hay năm 2020 – sẽ được bàn thảo vào năm tới, trong COP 18 tại Qatar. Ngoài EU, nhiều nước phát triển khác cũng sẽ tiếp tục tham gia vào giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto.

Ngoài ra, một diễn biến tại COP 17 cũng phần nào an ủi các nước kém phát triển là thỏa thuận về việc thiết lập một cơ chế quản lý và phân bổ đối với Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Tuy nhiên, những vấn đề chi tiết hơn về cơ chế này đáng tiếc lại không được nêu rõ trong thỏa thuận.

…. chưa đủ cho một cuộc chiến đầy chông gai

Mặc dù việc COP17 tạo ra “Kyoto giai đoạn II” được cho là thành công đối với các nước đang phát triển, song nó vẫn được coi là một chiến thắng “giả hiệu”, bởi lẽ các quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới sẽ chỉ tham gia hiệp định ràng buộc trên từ năm 2020.

Theo bản đánh giá khoa học “Climate Action Tracker” (CAT) thì với những đề xuất giảm khí thải hiện thời, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 3,5oC. Nếu cứ tiếp tục trì hoãn và không có một kế hoạch giảm thải quyết liệt, loài người sẽ không đủ thời gian để hạn chế nhiệt độ tăng dưới mức 2oC. Và một khi mức tăng nhiệt độ vượt quá 3oC, Trái đất sẽ đến gần hơn các điểm giới hạn sinh thái (tipping point) với hàng loạt những hệ lụy nghiêm trọng. Mầm sống của thực vật trong rừng mưa Amazon có thể sẽ biến mất, những rạn san hô bị thay thế bởi tảo và cỏ biển, những tảng băng trên đảo Greenland vốn tồn tại từ nhiều thế kỷ tới hàng nghìn năm nay sẽ nhanh chóng “bốc hơi”…

Thêm nữa, nếu tiếp tục chần chừ, nhiều quốc đảo nhỏ đang phát triển ở khu vực Thái Bình Dương và các nước đang phát triển khác sẽ khó tránh được thảm họa nghiêm trọng do nước biển dâng.

Ngoài ra, đồng hành với sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu là chi phí cho thích ứng và bù đắp thiệt hại gián tiếp do biến đổi khí hậu gây ra. Đơn cử, theo ước tính, tổn thất nặng nề nhất rơi vào Tây Phi và Nam Phi: nếu nhiệt độ tăng thêm 2oC, thiệt hại sẽ chiếm 3,5% GDP khu vực; còn nếu nhiệt độ tăng thêm 3oC, con số thiệt hại sẽ chiếm tới 5 – 6% GDP khu vực.

Trước đó đã có hàng trăm người diễu hành biểu tình tại Durban vì lo ngại cho tương lai khí hậu của thế giới (Ảnh: Robert van Waarden/Huffingtonpost.com)

Nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh nhân đạo, những quyết định từ COP 17 tại Durban được cho là đã “tạo nên một tội ác”, theo Liên minh Công lý về Khí hậu (Climate Justice Now! – CJN!). Liên minh này cho rằng các nước giàu nhất đang bất chấp đạo lý tạo ra một chế độ phân biệt chủng tộc mới về khí hậu ngay tại Nam Phi, nơi đã từng thành công trong cuộc đấu tranh vì tự do của đa số người da đen, xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid trên toàn đất nước.

Phản ứng nặng nề hơn trước kết quả của COP 17, ông Nnimmo Bassey, người đứng đầu Tổ chức Những người bạn Trái đất (FOEI), khẳng định: “Trì hoãn hành động thiết thực đến tận năm 2020 là một tội ác trên quy mô toàn cầu. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 4oC, mà kế hoạch trên cho phép, là bản án tử hình đối với châu Phi, các đảo quốc nhỏ và cả các nước nghèo và dễ bị tổn thương trên hành tinh này. COP 17 đã mở rộng chế độ phân biệt chủng tộc về khí hậu, mà theo đó 1% số nước giàu nhất thế giới đã chấp nhận hy sinh 99% số nước còn lại”.

Bản thân ông Pablo Solón, cựu chuyên gia đàm phán hàng đầu của bang Plurinational (Bolivia), khi nhắc đến Kyoto II đã nhận định: “Thật sai lầm khi cho rằng giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto đã được thông qua tại Durban. Quyết định thực sự vốn được hoãn đến COP 18, mà chưa có bất kỳ cam kết giảm phát thải nào từ các nước giàu. Nói cách khác, Nghị định thư Kyoto sẽ tiếp tục tồn tại cho tới khi nó được thay thế bởi một hiệp định mới thậm chí còn kém hiệu quả hơn”.

Đạt được một thỏa thuận chung vào phút chót, song COP 17 đã không đạt được những gì mà người ta vẫn kỳ vọng từ vài kỳ họp gần đây về một thỏa thuận giảm thải ràng buộc về pháp lý thay thế Nghị định thư Kyoto. Căn nguyên sâu xa của sự khiếm khuyết này được đánh giá là không còn dừng lại ở vấn đề môi trường mà nằm ở chính những mối bất đồng sâu sắc về chính trị giữa các nước lớn, điển hình là EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và ba nước có tiềm lực kinh tế mạnh là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Và trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu không thể chờ đợi một thỏa thuận mới, thì loài người đành phải hy vọng vào một kết quả tốt đẹp hơn tại COP18 vào năm sau.