Nhà báo và biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Với nhiều đồng nghiệp của chị, ý nghĩa của những từ viết tắt COP15, COP16 có thể còn mơ hồ, cũng mơ hồ tựa như khi người ta hễ động thiên tai, sự cố gì cũng chực đổ tại "biến đổi khí hậu" nhưng không thể nào diễn giải được vì sao, như thế nào, nhà báo Thúy Bình có thể nói khá may mắn đã hai lần tham gia hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu. Còn nhớ vào khoảng giữa hội nghị Cancun kéo dài hai tuần lễ hồi tháng 11, tôi nhận được email trả lời của chị: "đến giờ mình vẫn chưa gặp đồng nghiệp Việt Nam nào cả", tôi thoáng chút lo lắng, hình dung người bạn nhỏ bé của mình đang chơi vơi giữa một bể thông tin mênh mông và hàng vạn con người với các ngôn ngữ khác nhau đổ về từ năm châu bốn bể. Gặp lại chị vào ngày xuân dông dài, tôi mới có dịp hỏi han câu chuyện.

– Chị Bình này, Tết mấy năm nay ấm quá, có lẽ tại biến đổi khí hậu ấy nhỉ! (Cả hai chúng tôi cùng vui vẻ cười). Sau hai đợt trực chiến kéo dài ở Bali (COP13) và Cancun (COP16), chị có thấy mình “biến đổi” nhiều không? Hình như chị đã bén duyên với COP về khí hậu rồi đấy!

NB. Thuý Bình: Cũng có chút duyên đấy, cái duyên ấy là nhờ Tổ chức Hợp tác truyền thông biến đổi khí hậu (Climate Change Partnership). Cả hai lần mình tham gia COP 13 và COP 16 đều nhờ chương trình học bổng của họ dành cho báo chí các nước đang phát triển.

Qua hai lần tham gia sự kiện lớn như vậy, thấy mình cũng có “biến đổi” thật, mà có lẽ đầu năm nên nói là “chuyển biến” thì hay hơn. Mình học được rất nhiều về kỹ năng làm việc nhóm. Đợt COP16 vừa rồi, ngoài mình ra còn có 35 phóng viên đến từ châu Phi, Mỹ La Tinh và một số nước châu Á khác. Bọn mình chia thành các nhóm, mỗi nhóm được một biên tập viên dày kinh nghiệm hỗ trợ. Hàng sáng, các nhóm dành ra độ một tiếng trao đổi thông tin của ngày hôm trước và những sự kiện đáng chú ý của ngày hôm đó. Quả thực là ngay trong nhóm báo chí thôi đã thấy bầu không khí rất sôi động, vừa giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian, lại thấy thông tin được củng cố chắc chắn hơn.

Từ COP 13 cho tới COP16, thế giới đã có nhiều thay đổi cho dù một số quốc gia vẫn khăng khăng quan điểm không chịu thừa nhận trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. COP giống như một bàn cờ chính trị mà mỗi nước tham gia đều không muốn mình là người tiên phong, họ luôn chờ đợi động thái của nước khác. Mặc dù mức độ tham gia đàm phán của Việt Nam chưa nhiều nhưng chắc chắn nhiều bạn đọc rất quan tâm đến những thông tin cập nhật về COP. Mỗi kỳ tham gia COP, mình chỉ mong làm sao có thể chia sẻ với bạn đọc nhiều nhất thông tin và kiến thức mới mà mình lĩnh hội được.

– Nói về thông tin và kiến thức mới, trong một hội nghị lớn như vậy với vô vàn những sự kiện bên lề có hội dung hấp dẫn không kém, chị đã “bươn chải” như thế nào để chắt lọc tin riêng cho mình?

NB Thúy Bình: Ba năm trước, khi lần đầu tiên tham gia, quả thực mình đã bị “ngợp” dù đã được cảnh báo trước. Dạo đó, mình chạy miết theo các cuộc họp báo và các sự kiện bên lề. Thành ra không xử lý xuể và hậu quả là rất nhiều thông tin đã phải để lại. Đến COP16, mình xác định trọng tâm rõ ràng hơn, tập trung đưa tin về đoàn Việt Nam, những mối quan tâm chính của Việt Nam chẳng hạn như việc triển khai REDD và diễn biến chính của hội nghị. Bên cạnh đó, qua các mạng thông tin, mình vẫn cập nhật thường xuyên các hoạt động khác đang diễn ra. Nhờ vậy mà cũng thu được một lượng tin tương đối lớn, đủ để liên tục viết bài.

– Một ngày làm việc của chị ở Cancun như thế nào?

NB Thúy Bình: 3-4h sáng dậy nghe ghi âm phỏng vấn của ngày hôm trước hoặc đọc và ghi chú các tài liệu. 7h dạo quanh bờ biển để nạp lại năng lượng và ăn sáng. Sau đó là họp nhóm khoảng một tiếng đồng hồ và khoảng 1h rưỡi di chuyển từ khách sạn đến Trung tâm hội nghị. Chạy theo các sự kiện đã được đánh dấu, phỏng vấn và cuối cùng là viết bài và gửi về nhà trước 8h tối, vì giờ Việt Nam và giờ Mexico chênh lệch khoảng 13 tiếng đồng hồ. Nói tóm lại, không có cách nào khác là bơi trong dòng chảy của hàng loạt sự kiện. Đôi khi cũng tự động viên biết đâu mình là nhà báo Việt Nam đầu tiên chuyển tải thông tin COP16 về nhà.

– Đoàn đàm phán của ta nghe nói cũng phải xé lẻ để bám theo các sự kiện. Tìm gặp và phỏng vấn họ chắc cũng không dễ?

NB Thuý Bình: Mình không có con số chính xác đoàn đàm phán của Việt Nam vì số lượng đại biểu càng về gần cuối hội nghị càng đông hơn, tuy nhiên cũng không thể vượt quá 40 người. Trong khi đó, một ngày có tới hàng chục cuộc họp và hàng trăm sự kiện. Đúng như bạn nói, đoàn đại biểu đã phải phân nhỏ để có thể tham gia các hoạt động quan trọng. Phần lớn các cuộc họp và sự kiện nối tiếp nhau, vì vậy, mình thường phải vào tận các phòng họp hay đợi ngoài hành lang để phỏng vấn ngay khi các đại biểu bước ra khỏi sảnh.

Tại COP 16, mình có nhiều dịp tiếp xúc với các đại biểu hơn, và cũng có cảm giác đoàn lần này cởi mở thông tin hơn. Mình có gặp và kịp phỏng vấn được một số vị đại biểu quan trọng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNTN Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Văn Tấn, bà Phạm Minh Thoa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế – Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban thư ký Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết so với COP 15 số lượng phóng viên báo chí tham gia đưa tin tại COP16 đã giảm một nửa, chỉ còn khoảng 2.000 người. Sở dĩ như vậy bởi người ta đã quá kỳ vọng rằng COP15 tại Copenhagen sẽ thông qua được nhiều vấn đề lớn liên quan đến việc thực thi Công ước về biến đổi khí hậu và các cam kết hậu Nghị định thư Kyoto, song COP15 đã không đạt được những mục tiêu này.

– Chị có thấy khoảng cách nào đó giữa báo chí trong nước và báo chí nước ngoài khi tham dự và viết tin bài về COP? Vậy còn những vấn đề sâu về REDD, CDM… thì sao, hình như có rất ít bài phân tích và nhìn nhận từ báo chí trong nước?

NB Thúy Bình: Tôi nghĩ việc đưa thông tin trước hết phụ thuộc vào quan điểm và mối quan tâm của ban biên tập một tờ báo. Rất tiếc rằng mặc dù Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu song chỉ một số tờ báo trong nước quan tâm đến các sự kiện này, và họ cũng chỉ dành riêng một không gian khá khiêm tốn. Trong suốt hội nghị COP16 tôi chỉ gặp ba nhà báo Việt Nam, hai từ Đài THVN và một từ báo của Bộ TNMT. Trong khi đó khoa học thế giới không ngừng đưa ra những cảnh báo ngày càng thúc giục hơn. Báo cáo mới đây nhất công bố tại COP16 cho hay rằng trong vòng 30 năm tới, mức độ tổn thương của Việt Nam do biến đổi khí hậu sẽ không còn là cực kỳ nghiêm trọng mà trở thành đặc biệt nghiêm trọng, nhất là sức ép đối với kinh tế và tài nguyên thiên nhiên.

Dĩ nhiên, đây cũng không phải chuyện xảy ra riêng tại Việt Nam. Một số đồng nghiệp nước ngoài cũng chia sẻ với tôi rằng những câu chuyện về biến đổi khí hậu cũng không hấp dẫn bạn đọc ở nước họ. Biên tập viên của tôi – một nhà báo kì cựu của đài BBC tâm sự rằng bà rất buồn khi phải xem hầu hết tin tức về COP 16 qua đài bạn CNN chứ không phải từ báo nhà.

– Vừa phụ trách chuyên mục về biến đổi khí hậu của Đài PTTH Hà Nội, lại vừa là thành viên của Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam, sắp tới chị có dự định gì với mảng truyền thông môi trường?

NB Thúy Bình:
Tôi nghĩ biến đổi khí hậu là một câu chuyện lớn, càng có nhiều nhà báo tham gia càng có nhiều cơ hội thuyết phục mọi người có những hành động thực sự để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tôi đang ấp ủ một dự án nhưng tạm thời chưa thể nói gì, đôi khi cũng nên nghe các cụ “nói trước bước không qua”. Để tôi thử cố gắng đã, hy vọng sẽ bật mí được với bạn trong năm nay.

– Cảm ơn chị. Chúc chị một năm mới tốt lành và nhiều thành công!


*COP: Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP13 diễn ra tại đảo Bali (Indonesia), COP16 diễn ra tại thành phố Cancun (Mexico)