Cơ chế tài chính khí hậu đang lâm nguy

ThienNhien.Net – Nguồn tài chính giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang gặp khó khăn, gây trở ngại cho các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế. Đó là khẳng định mới đây của bà Rachel Kyte, người đứng đầu Mạng lưới Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong một bài phát biểu tại London mới đây, bà Rachel Kyte đã cảnh báo về tình trạng “cạn kiệt” của các quỹ khí hậu như Quỹ Công nghệ sạch và Quỹ Khí hậu xanh, theo tin từ Enviromental Finance.

Cơ chế hoạt động của Quỹ khí hậu xanh – nguồn quỹ mà 100 tỷ USD mỗi năm tới 2020 được chính phủ các nước phát triển cam kết tài trợ cho các nước đang phát triển – đang được kỳ vọng sẽ đi tới một sự thống nhất tại Hội nghị khí hậu Durban sắp tới.

Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo Mobilizing Climate Finance (Huy động tài chính khí hậu) bị rò rỉ mới đây của WB được The Guardian đăng tải thì trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khả năng các nước giàu gây quỹ 30 tỷ USD như đã cam kết cho giai đoạn 2010-2012 và 100 tỷ mỗi năm cho Quỹ khí hậu xanh tới 2020 là rất mờ mịt.

Thay vào đó, tài liệu này cũng khẳng định: “Các dòng tài chính lớn cần thiết để ổn định và thích ứng với khí hậu về dài hạn chủ yếu là từ khu vực tư nhân “.

Ngoài ra, tài liệu bị rò rỉ nói trên của WB cũng hé lộ sự sụp đổ của thị trường carbon dưới Cơ chế phát triển sạch (CDM): “Giá trị giao dịch trên thị trường CDM đã giảm mạnh trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010… trong một bối cảnh rất mơ hồ về tương lai của các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu và cơ chế ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào thị trường sau năm 2012”.

Theo tài liệu này thì thị trường quốc tế về tín chỉ CDM trong năm 2009 và 2010 đã sụp đổ với giá trị giao dịch tín chỉ CDM giảm chỉ còn 1,5 tỷ USD – mức thấp nhất kể từ khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực vào năm 2005.

Bình luận về bản báo cáo bị rò rỉ này trên trang web về cơ chế REDD do chính mình quản trị, nhà hoạt động môi trường Chris Lang cho rằng bản báo cáo của WB không chỉ cho thấy một bức tranh ảm đạm về  thương mại carbon mà còn là minh chứng rõ ràng cho “nỗi ám ảnh của WB với thị trường carbon”.

Nỗi ám ảnh mà Chris Lang ám chỉ có lẽ nằm ở sự lạc quan của Ngân hàng trước tình trạng được chính họ thừa nhận là rất khó khăn và ở những giải pháp mà họ đưa ra để giải quyết tình hình.

Khi thừa nhận về tình trạng khó khăn của thị trường carbon, báo cáo của WB đã chỉ ra một số nguyên nhân như: sự phân rã thị trường do thiếu một thỏa thuận toàn cầu, chi phí giao dịch gắn với các cơ chế phức tạp, nguồn lực ở nhiều nước chưa đủ đáp ứng, thiếu nguồn tài chính trả trước, hạn chế trong cách tiếp cận theo kiểu dự án hiện tại, và việc thị trường này chưa bao quát được một số lĩnh vực có tiềm năng quan trọng khác như nông nghiệp.

Ảnh minh họa: Nalakagunawardene.com

Theo đánh giá của WB thì hiện nay thị trường carbon có 3 vấn đề tồn tại. Thứ nhất là “yếu tố cầu” do thiếu mục tiêu giảm thải sâu dẫn đến không có nhu cầu về tín chỉ carbon. Thứ hai là “yếu tố cung” vì không có đủ tín dụng carbon trên thị trường. Cuối cùng là do “các quy tắc thị trường và thể chế” mà để giải quyết ngân hàng này đang muốn dành nguồn tài chính nhiều hơn cho các “sáng kiến thử nghiệm, xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức để chuẩn bị sẵn sàng cho một thị trường rộng hơn”.

Tuy nhiên, bất kể nhiều khó khăn đã được nhìn nhận, WB vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng: “Bất chấp sự suy giảm gần đây trong hoạt động thị trường, một số bước tiến mới vẫn cho thấy mối quan tâm tới việc thúc đẩy các giải pháp thị trường carbon ở cả các nước phát triển và đang phát triển.”

Và từ niềm tin rằng thị trường carbon vẫn có thể khởi sắc, WB đã đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm vực dậy cơ chế tài chính khí hậu đang lâm nguy này.

Theo đó, để tăng nguồn cung tín chỉ carbon, WB đề xuất một loạt giải pháp nhằm “thúc đẩy các sáng kiến biến các dòng đền bù carbon tương lai thành nguồn tài chính” như phát triển các dự án carbon, giải quyết vấn đề biến động giá tín chỉ carbon…

Ngân hàng cũng có sáng kiến tăng lượng cầu tín chỉ carbon với lời kêu gọi tăng mục tiêu giảm thải ở các nước giàu, đồng thời “sử dụng sáng tạo nguồn tài chính khí hậu để duy trì duy trì thị trường trong khi các sáng kiến mới đang được triển khai”. Theo đó, WB khuyến khích các nước dành một phần cam kết tài chính khí hậu quốc tế để mua tín chỉ carbon nhằm thử nghiệm và áp dụng các cách tiếp cận mới.

Điều này được Chris Lang bình luận như một cách mà WB gợi ý để chuyển tiền từ quỹ giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhằm bảo lãnh cho các thị trường carbon. Theo ông: “Đây là một ví dụ rõ ràng về lối tư duy của những người ủng hộ thị trường carbon của WB. Sau khi nhận ra rằng có rắc rối lớn với thị trường carbon, họ tìm cách cứu vớt nó, bất kể các tác động đối với khí hậu”.

Dù thế nào thì thực tế vẫn là các cơ chế tài chính về khí hậu đang gặp khó khăn và thế giới cần có hành động thiết thực để giải quyết vấn đề này khi vòng đám phán Durban được khởi động vào tháng 11 tới.

Bạch Dương