Tái phát hiện một loài bọt biển lớn

ThienNhien.Net – Những tưởng đã tuyệt chủng từ hơn 1 thế kỷ trước, nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu sinh vật học thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore cùng Nhóm tư vấn môi trường DHI (Đan Mạch) đã tái phát hiện loài bọt biển Neptune’s cup (Cliona patera) tại vùng biển ngoài khơi Singapore.

Mặc dù kích cỡ của cá thể bọt biển có hình dạng chiếc cốc được phát hiện khá nhỏ, song cơ thể của nó có thể đạt tới 1,5 m cả về chiều cao và đường kính.

DHI và nhà nghiên cứu sinh vật học đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore đang chụp cận cảnh cá thể bọt biển Cliona patera (Ảnh: DHI Group/Mongabay.com)

Lần đầu tiên Cliona patera được mô tả là vào năm 1822, sau đó, nhiều gia đình thường xuyên sử dụng chúng làm bồn tắm cho trẻ em. Và nạn khai thác quá mức đã nhanh chóng đẩy loài này tới bờ vực tuyệt chủng. Từ sau năm 1908, không ai còn nhìn thấy chúng nữa.

Thời gian trôi qua, bọt biển Cliona patera chỉ còn tồn tại trong những ghi chép và hình ảnh lưu lại được. Cho đến tận cuối thế kỷ XX, khi xác của loài này được tìm thấy ở khu vực bắc Australia, thì hy vọng rằng chúng chưa hoàn toàn tuyệt chủng mới được nhen nhóm.

Cùng thời gian này, giới khoa học còn được đón nhận thêm một tin vui khác khi phát hiện cá thể ếch sơn Hula (Discoglossus nigriventer) mà họ cho là đã vĩnh viễn biến mất tại vùng đầm lầy Ha-Hula đã khô cạn ở Israel.

Kể từ năm 1955, thời điểm mà có tới 95% đầm lầy bị tháo cạn để kiểm soát căn bệnh sốt rét và lấy đất trồng trọt, ếch sơn Discoglossus nigriventer đã mất nơi cư trú và nhanh chóng bị tuyệt chủng.

Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) đã xếp loại loài ếch này đứng thứ 9 trong số 10 loài ếch tuyệt chủng được hy vọng tìm thấy nhất và lần tái xuất này đã đánh dấu sự trở lại của 2 trong số 10 loài nói trên.