Hạn chế trong thực thi chính sách bảo hộ quyền lợi người dân vùng khai mỏ

ThienNhien.Net – Hoạt động khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản, không chỉ tác động trực tiếp tới môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội do gây hư hại cơ sở hạ tầng, làm mất đất ở và đất canh tác; tước đi sinh kế của người dân khu vực dự án. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản cũng thường dẫn đến những áp lực về quản lý xã hội do một lực lượng lao động bên ngoài dồn về khu vực dự án. Những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến địa phương và người dân nơi khoáng sản được khai thác.

Luật Khoáng sản năm 1996 đã quy định về trách nhiệm trong việc đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân địa phương nơi khoáng sản được khai thác tại Điều 7 và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 219/1999/QĐ-TTg ngày 11/11/1999 về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác (dưới đây gọi tắt là Quyết định 219).

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 76/2000/TT-BTC ngày 25/7/2000 (dưới đây gọi tắt là Thông tư 76) hướng dẫn thực hiện Quyết định 219. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện các phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất. Khoản kinh phí trên sẽ được bố trí trong dự toán ngân sách cấp tỉnh hàng năm. Tổng dự toán chi phải được cân đối từ dự toán thu hàng năm từ hoạt động khoáng sản của ngân sách cấp tỉnh; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương chỉ được chi dùng cho các phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đã được duyệt.

Hậu quả sau khai thác vàng ở Na Rì, Phú Thọ (Ảnh: Dương Văn Thọ/ThienNhien.Net)
Hậu quả sau khai thác vàng ở Na Rì, Phú Thọ (Ảnh: Dương Văn Thọ/ThienNhien.Net)

Có thể nói, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân nơi khai thác khoáng sản đã được cụ thể hoá tại Quyết định 219 và Thông tư 76, là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn thu từ hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, sau gần 15 năm triển khai, thực tế cho thấy còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi.

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản lâu nay chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu văn bản Luật và các Nghị định hướng dẫn trong khi các Quyết định, Thông tư hướng dẫn – trong trường hợp này là Quyết định 219, Thông tư 76 – chưa được quan tâm, đặc biệt là tuyên truyền đến cấp chính quyền xã, người dân địa phương và các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy từ chính quyền tới người dân đều không biết đến Quyết định 219 và đương nhiên chưa triển khai thực hiện Quyết định này. Điều này dẫn đến thực tế là phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm bảo hộ quyền lợi của người dân nơi khoáng sản được khai thác. Trong khi đó, người dân địa phương cũng chưa thấy hết được trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cũng như quyền tham gia giám sát hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Thứ hai, đến nayviệc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương chủ yếu thông qua các hoạt động cụ thể, mang tính chất “tự nguyện” của doanh nghiệp như hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các quỹ phúc lợi của địa phương; sử dụng lao động địa phương… mà chưa thông qua “Phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác” cũng như “Phương án bảo hộ ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác” do chính UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt.

Thực tế này dẫn tới việc không có cơ sở để các cấp chính quyền cơ sở (cấp huyện, xã) cũng như các cơ quan chuyên môn (các Sở liên quan của tỉnh) hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời, người dân địa phương cũng không được biết nội dung cụ thể của các phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, bảo hộ ổn định đời sống, sản xuất khi có một dự án khai thác, chế biến khoáng sản được triển khai trên địa bàn. Do vậy, việc thực hiện nội dung nào, mức độ đến đâu, có triển khai các phương án nhằm bảo hộ quyền lợi người dân hay không đều phụ thuộc vào sự tự giác và “lòng hảo tâm” của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế cung cấp thông tin hai chiều làm cơ sở giám sát, dẫn tới những xung đột về mặt lợi ích giữa tổ chức, cá nhân khai thác với địa phương và người dân như đã từng diễn ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua.

Cuối cùng, như đã đề cập, do công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 219 chưa sâu rộng đến các cấp chính quyền địa phương, người dân nơi có mỏ và do nhận thức chưa đầy đủ của các cấp chính quyền địa phương, hiện vẫn phổ biến tình trạng chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan chủ trì xây dựng “Phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác” cũng như “Phương án bảo hộ ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác”. Điều này dẫn tới tình trạng không có cơ quan đầu mối giúp UBND cấp tỉnh xây dựng và trình phê duyệt các phương án làm cơ sở thực hiện.

Điều 5 của Luật Khoáng sản 2010 về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác đã được xây dựng với nội dung chi tiết, cụ thể hơn so với Điều 7 Luật khoáng sản năm 1996. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều quy định trong Quyết định 219 và Thông tư 76 không còn hiệu lực thi hành. Chính vì vậy, việc tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá một cách đầy đủ, khách quan quá trình tổ chức thực hiện Quyết định 219, Thông tư 76 để nhìn nhận, phân tích những kết quả, tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân và giải pháp khắc phục là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Điều 5 Luật khoáng sản 2010 một cách thiết thực, nhằm đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi khoáng sản được khai thác.

TS. Lại Hồng Thanh, Ủy viên thường vụ BCH Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam