“Cuộc chiến” bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Ở một góc độ nào đó, có thể nói là chuyến đi Phong Nha Kẻ Bàng của chúng tôi thiếu sót lớn vì đã không có cơ hội chiêm ngưỡng hệ thống hang động kỳ vĩ của miền di sản này. Dưới đây là một vài hình ảnh mượn của nhiếp ảnh gia người Đức Carsten Peter mà tôi đã tìm thấy trên một tạp chí địa lý hàng đầu của thế giới – National Geopraphic, mở đầu câu chuyện về Phong Nha Kẻ Bàng.

Kỳ 1: Vẻ đẹp ẩn trong lòng đá

Đây là hang Sơn Đoòng, một trong những hang động mới nhất được khám phá của quần thể di sản và ngay lập tức đã thu hút nhiều đoàn thám hiểm đến chinh phục. Người ta đã vinh danh hang Sơn Đoòng đứng số 1 thế giới về quy mô rộng lớn, là tác phẩm kỳ vĩ của tự nhiên…có thể mô tả đơn giản về sự rộng lớn của hang rằng nó có thể chứa trong lòng cả một tòa nhà chọc trời

Trụ hang lớn bằng đá cao vụt khỏi tầm mắt hai nhà thám hiểm đang bơi dưới hang Kén, một trong 20 hang mới được phát hiện ở Việt Nam hồi năm ngoái.

Hang Kén trong mùa khô, khi các đoàn thám hiểm có thể an toàn khám phá. Vào mùa mưa, nước trong lòng hang dềnh lên, sẽ không cách nào vượt qua được.

Một nhà thám hiểm leo xuống hang Loọng Con. Nhờ độ ẩm cao, trong lòng hang hình thành những đám mây có thể dễ dàng nhìn thấy khi có nắng chiếu qua.

Hang Sơn Đoòng đã vượt qua kỷ lục một hang động khác của Malaysia để soán ngôi lớn nhất thế giới.

Trong lòng hang có cả một khu rừng già. Người ta lý giải rằng do vòm hang bị sập cách đây từ rất lâu, ánh sáng lọt vào hang tạo điều kiện cho hệ sinh vật sinh sôi, phát triển.

Đi sâu xuống lòng đất, các thành viên trong đoàn thám hiểm tiến vào hang Én, một hang ngầm được tạo bởi sông Rào Thương. Trong mùa khô, con sông biến mất, chỉ còn dấu tích là những vũng nhỏ. Đây là điều thường thấy ở nhiều con sông ngầm chảy trong lòng núi đá vôi.

Khoảng trống giữa hang Én ngày càng co hẹp lại. Sông Rào Thương xuất hiện mở rộng dần, rồi nhanh chóng chảy vào hang Sơn Đoòng.

Bức tườngđá vôi gần lối ra của hang Én mang dấu tích của một thác nước đã cạn, nay phủ đầy rêu xanh. Vẻ thu hút của nó đã giữ chân các nhà thám hiểm đứng lại ngắm nhìn hồi lâu.

Những tảng đá trơn trượt phủ rêu và cuộc thử nghiệm độ bền khi rơi xuống khoảng cách hơn 9m của nhà thám hiểm Mark Jenkins ở lối vào hang Sơn Đoòng vốn đã bị rừng cây che khuất. Ông cho biết: “Tuy rằng hang vô cùng rộng lớn nhưng chỉ khi đứng trước cửa hang, chúng ta mới có thể nhìn thấy chúng”. Và trên thực tế, những nhà khám phá đã phát hiện hệ thống hang động này bằng cách lần theo dấu vết của những tiếng gió rít phát ra từ dưới lòng hang.

Ở những nơi ánh sáng lọt vào, màu xanh vươn lên đem lại màu sắc của sự sống, tạo thành một thế giới khác biệt hẳn không gian tối tăm, tù túng của những hang động thông thường. Ngoài dương xỉ và nhiều loài thực vật nhỏ, đoàn thám hiểm còn bắt gặp một bộ mặt sinh động khác của hang Sơn Đoòng, đó là sự hiện diện của các loài động vật như khỉ, rắn và chim trong khu vực hang.

Những hạt đá nhỏ có hình dạng ngọc trai hiếm thấy kỳ lạ thay lại xuất hiện đầy rẫy ở những vũng nước đã cạn khô xếp tầng thuộc hang Sơn Đoòng.

Các nhà thám hiểm vô tình lọt vào một mê lộ “bọc” tảo với những bậc thang được tạo thành khi dòng nước giàu canxi carbonat (CaCO3) chảy tràn qua đá vào hồ.

Bức vách đá được đặt cái tên Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam, cũng là thách thức nhất đối với các nhà thám hiểm. Nghe nói, vì chưa thể vượt qua vách đá này, đoàn thám hiểm khám phá hang Sơn Đoòng năm 2009 đã đánh dấu điểm dừng của họ ở độ cao 61m, dấu mốc cho những cuộc chinh phục tiếp theo.

Khó có thể kìm nén sự trầm trồ trước những hình ảnh tuyệt vời và sự quả cảm của đoàn thám hiểm nhưng tôi vẫn nghĩ giá trị di sản thực chất của nơi đây vẫn còn tiềm ẩn trong những cánh rừng trên núi đá vôi, những dòng sông ngầm và hang đá các-x-tơ kia còn chưa được khai phá là bao.  Ít nhất 10 kỷ lục đối với Việt Nam, vài ba kỷ lục thế giới về hang động dài, rộng nhất, có lẽ chỉ là những thứ bề nổi mà con người mới kịp biết về Phong Nha – Kẻ Bàng.