Mô hình nhà chống lũ của chàng sinh viên miền Trung

ThienNhien.Net – Bằng sự đồng cảm với quê hương Quảng Bình cũng như bà con vùng lũ, Phạm Hữu Thủy, sinh viên năm thứ 5 của khoa Kiến trúc, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã quyết tâm tạo nên mô hình nhà chống lũ có tính khả thi với bà con nông dân sống trong vùng lũ miền Trung và của Việt Nam.

Từ mô hình nhà chống lũ của một sinh viên…

Phạm Hữu Thủy và mô hình nhà chống lũ (Ảnh Chinhphu.vn)

Nhà chống lũ được phát triển trên cơ sở nhà truyền thống của người Việt, đơn giản, rộng rãi, phổ biến ở nhiều địa phương. Ngôi nhà thiết kế đơn giản có một hệ thống phao nổi tự động khi lũ dâng cao. Phao được làm bằng sáu thùng phuy kết lại với nhau đặt dưới nền nhà gần bếp nên không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình.

Dây chuyền sinh hoạt được bố trí một cách hợp lí, tiện lợi. Hình khối kiến trúc gọn gàng, chống bão tốt. Trong nhà vẫn có hệ thống bếp ga bếp củi. Trên mặt các thùng phuy được kết chặt bằng ván gỗ nhẹ. Một nửa mái nhà được lợp bằng tôn lạnh, có cửa chớp để thoát hiểm bằng hệ thống phao khi lũ lên cao.

Phần còn lại được đổ bê tông cốt thép để làm nơi phơi nông sản, nơi trú của người và vật nuôi khi lũ về. Tất cả sẽ được đưa lên mái nhà trước khi lũ dâng cao bằng hệ thống ròng rọc đôi cố định vào phía mái lợp tôn lạnh.

Khi lũ tràn về, hệ thống phao sẽ nâng nhà lên. Trường hợp nước ngập trần nhà, phao sẽ tiếp tục nổi lên qua cửa chớp nhưng vẫn giữ được thăng bằng trong dòng nước lớn nhờ hệ thống dây chằng ở bốn góc. Khi lũ rút thì phao sẽ tự động hạ về vị trí ban đầu.

Nhà chống lũ được bố trí mặt bằng công năng phù hợp, tiện lợi khi di chuyển, tính cơ động cao, có thể di chuyển người và gia súc an toàn, nhanh chóng khi có lũ tới.

Đây là tính năng ưu điểm của mô hình nhà chống lũ của sinh viên Phạm Hữu Thủy sinh năm 1987, sinh ra tại thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình, Tác phẩm đạt được giải A trong Cuộc thi Thiết kế “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.

Nói về động lực để làm mô hình nhà ở này, Thủy cho hay: Quê hương anh nằm trên lưu vực sông Gianh và sông Dinh, dễ xảy ra lũ nên người dân địa phương thường xuyên phải sống chung với chạy lũ.

“Năm nào sắp đến mùa lũ về, gia đình tôi và bà con quê hương đều sống trong nơm nớp lo sợ. Mỗi cơn lũ đi qua là nhà cửa, làng xóm tiêu điều, lợn gà, hoa màu bị trôi mất, những người dân miền Trung vốn đã nghèo khó với mảnh đất khô cằn, vẫn cứ hoàn nghèo vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Lũ trở thành nỗi ám ảnh không bao giờ thoát khỏi với người dân miền Trung”, Thủy nhớ lại cả tuổi thơ vất vả nhiều lần chạy lũ của mình.

Chính vì niềm mong mỏi ấy mà ngay khi biết cuộc thi được tổ chức, Phạm Hữu Thủy đã tìm tòi, học tập nghiên cứu các kinh nghiệm nhà ở dân gian cũng như kết hợp với những kiến thức đã được học ở trường, sách báo, internet trong 6 tháng để hoàn thành ngôi nhà mơ ước ngàn đời của bà con vùng lũ miền Trung nghèo khó này.

… Đến hiện thực cho người dân vùng lũ

Được biết, mô hình ban đầu mà Thủy thiết kế có giá thành khoảng 200 – 250 triệu đồng. Đây là giá thành cao so với mặt bằng kinh tế, thu nhập của người nông dân Việt Nam còn thấp, đặc biệt là với bà con miền lũ còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, sau khi mô hình được giải thưởng, để thực tế áp dụng vào cuộc sống dễ dàng, hiện nay Thủy đang nâng cấp, bổ sung đề tài của mình để hoàn thiện hơn, giá thành sẽ cố gắng thiết kế xuống còn khoảng 150 triệu đồng, mô hình vật liệu đơn giản, tính khả thi cao.

Phần sàn nhà được thiết kế  lại bằng bê tông cốt thép, diện tích rộng gấp đôi phương án trước. Thêm cầu thang bê tông lên xuống sàn. Từ sàn lên mái được thiết kế bằng hệ thống thang sắt thuận tiện cho việc di chuyển người, gia súc, gia cầm, vật dụng. Hai mái nhà lệch nhau được lợp bằng tôn lạnh…

“Chi phí xây dựng một căn nhà khoảng 150 triệu đồng, mức giá này có thể là cao hơn một ngôi nhà lợp ngói bấy giờ nhưng giá thành ngôi nhà chống lũ của tôi là có thể chấp nhận được. Bởi lợi ích và hiệu quả lâu dài mà người dân vùng lũ hưởng sau này sẽ được nhiều hơn thế”, Phạm Hữu Thủy chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hữu Trí, Giảng viên bộ môn cơ sở Kiến trúc, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nơi Thủy đang theo học cho hay: Hiện nay nhà trường đang xúc tiến xây dựng một căn nhà mẫu theo mô hình chống lũ của em Thủy ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Tổ chức Phi Chính phủ “Đông Tây hội ngộ” sẽ kết hợp với Thủy để đưa mô hình này được về với thực tế địa phương, để niềm mong mỏi thoát lũ của bà con nông dân không chỉ nằm trên máy vi tính.

Ngay sau khi được giải thưởng, mô hình nhà ở của Thủy sẽ được chuyển về Quảng Bình đầu tiên, trong đó có huyện Bố Trạch cùng một số huyện từng xảy ra những trận lũ lịch sử nặng nề, là rốn lũ thượng nguồn nguồn sông Gianh đó là huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa với hi vọng đóng góp nhỏ của bản thân ít nhiều sẽ giảm bớt những mát mát và đau thương cho bà con nơi đây.