Khẩn trương xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển

Hàng hóa tồn đọng. Ảnh minh họa

ThienNhien.Net – Ngày 27/9, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn chỉ đạo xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển.

Cụ thể, đối với lô hàng nhập khẩu vi phạm Công ước Basel, về nguyên tắc các cơ quan phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành và Công ước Basel mà Việt Nam là thành viên tham gia. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh trường hợp bất khả kháng không thể xử lý ngay theo đúng Công ước Basel thì Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất cơ chế để xử lý cho phù hợp.

Về vấn đề giải quyết hàng hóa xuất khẩu tồn đọng tại một số cửa khẩu xảy ra thời gian qua, các Bộ, địa phương và doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình về thị trường, về các thủ tục xuất khẩu và vận chuyển hàng để có biện pháp khắc phục những vướng mắc phát sinh.

Về việc không cho phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu phế liệu, phế thải, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan cần nghiêm túc, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7864/VPCP-KTTH ngày 2/11/2010 và công văn 8628/VPCP-KTTH ngày 26/11/2010 của Văn phòng Chính phủ về xử lý hàng tồn đọng tại các cảng biển.

Đồng thời, các Bộ, cơ quan cũng cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp, hỗ trợ nhau trong quản lý, xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển để khắc phục những tồn tại phát sinh trong thời gian qua.

Theo phản ánh của báo Công an nhân dân 9/9, hiện vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam câu kết, móc nối với các đối tác nước ngoài để cố ý hoặc “vô tình” nhập khẩu máy móc và vật liệu không còn giá trị sử dụng về Việt Nam nhằm mục đích tái sử dụng, trong đó có nhiều loại hàng, nguyên liệu cực kỳ độc hại, vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Một số loại rác vượt rất nhiều lần giới hạn tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, như ắc quy chì, phế liệu chưa được làm sạch, rác thải điện tử chứa thủy ngân và chất độc, vải vụn dính dầu mỡ… Chỉ tính riêng trong hai năm (từ tháng 5/2009 đến 5/2011), lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 37 vụ việc dạng này, trong đó có tới 3.278 container chứa 56.618 tấn ắc quy chì phế thải và hàng hóa thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua cảng biển, cửa khẩu.